Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Vietleak – P19 – TS Lưu Bích Hồ (phần 2): Hội thảo Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11

Posted by BEAR trên Tháng Một 14, 2011

http://www.youtube.com/vietleaks

P19 – TS Lưu Bích Hồ (phần 2): Hội thảo Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11

Hội thảo Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, Do Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Khoa học – Đầu tư tổ chức.  Với sự tham dự của nhiều trí thức, đảng viên cao cấp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương.

TS Lưu Bích Hồ – cựu Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – phần 2

TS Lưu Bích Hồ: Có một vấn đề mà tôi cho là rất quan trọng… Công tác cán bộ trong cả  ba cái văn kiện này tôi đếm có 11 dòng và lại hết sức chung chung và vô vị và thực chất nó lại là vấn đề quyết định cho sự phát triển của chúng ta trong thời gian tới. Và hiện tình các vị thấy là công tác cán bộ hết sức lộn xộn và có thể nói là nguy hiểm. Bởi vì sao? Vì tình trạng mua quan bán chức thì tức là diễn ra quá phổ biến. Một chức trưởng phòng một triệu đô, có người nói rằng chủ tịch là cả chục triệu đô v.v…
Người ta kể ra là bây giờ thưa các đồng chí là hiệu trưởng trường đại học cũng là tiền tỷ. Và như vậy là quá nguy hiểm! Tức là người ta dùng tiền để mua cái chức tước đó và cái đó là con đường để tiến lên cấp cao, thì quá nguy hiểm rồi. Đó là điều thứ nhất mà tôi nghĩ là phải được cảnh báo. Điều thứ hai là cơ chế sử dụng và cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao. Thì bây giờ cũng không biết tuyển chọn bằng cách nào? Có lẽ chúng tôi cảm thấy dường như có mấy vị cấp trên cao nhất là quyết định cái nhân sự của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có công khai, không có minh bạch, không có cạnh tranh, không có… Nghĩa là có bầu cử, có nói chuyện nhưng là hình thức, là hình thức cả. Thế thậm chí có một Đảng bộ Đại hội của thành phố rất là lớn thì sau khi bầu thì ông Bí thư nói là “đúng như dự kiến”, “thành công rất lớn”. Thế thì tức là tất cả, chúng ta có tất cả mọi chuyện bầu cử, tất cả giới thiệu, thăm dò ý kiến đủ tất. Nhưng xét cho cùng cái người chúng ta đưa lên vừa kém về tài và đức cũng kém nốt. Vậy vấn đề cơ chế của chúng ta đã hỏng rồi. Và nói như anh Trung là nó giả dối cho nên nó dẫn đến một cái tình trạng như vậy. Bầu cử, mọi chuyện có nhưng hoá ra cuối cùng kết quả chả ra gì, chứng tỏ rằng cái cơ chế tuyển chọn nhân sự của chúng ta đã hỏng.
Một điều nữa, là cái người lãnh đạo ở tất cả các cương vị đều không có trách nhiệm với những quyết định của mình. Bây giờ một ông Bộ trưởng bộ giao thông để tai nạn xảy ra khắp nơi, vẫn là bình thường. Một ông Bộ trưởng Bộ xây dựng cũng để nhà đổ v.v.. vẫn làm bộ trưởng. Thế thì tôi nghĩ một đất nước này có lẽ là các quyết định không ai chịu trách nhiệm cả (có tiếng nói chen vào: “Phó thủ tướng đã giải thích rồi). Cho nên, nếu chúng ta kéo dài tình trạng những người lãnh đạo được giao trách nhiệm, quyền lực rất là lớn nhưng vô trách nhiệm với tất cả các quyết định của mình, thì tôi thấy tình hình đất nước sẽ là khôn lường. Bởi vì là tôi quyết định ra nhiều chuyện, tôi quyết định làm con đường này, tôi quyết định xây dựng cầu kia, tôi quyết định rất nhiều thứ, lập tập đoàn này. Nhưng khi mà nó hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm, tôi vẫn ngồi chiếc ghế đó, thậm chí là lên cao hơn còn nhà nước tổn thất, nhân dân tổn thất. Hoàn toàn vô trách nhiệm. Vâng và tiếp tục như vậy đấy ạ. Thì tôi nghĩ rằng cái chế độ như vậy thì chắc chắn đất nước chúng ta còn phải chịu nhiều tổn thất lớn. Vì vậy mà tôi cho rằng trong tất cả các thứ mà chúng ta bàn từ sáng đến nay nhưng nếu như công tác cán bộ vẫn giữ như hiện nay, vẫn giữ một thị trường quan chức quá phổ biến, và cái thị trường này nó sẽ bóp chết tất cả các thị trường khác, vẫn giữ một chế độ đề bạt, tuyển chọn và vô trách nhiệm đối với tất cả các quyết định, thì tôi xin nói với các đồng chí là tất cả những điều ghi trong các văn bản này, vô nghĩa hết. Tôi xin hết!
Tôi xin nói thêm một câu nữa, tôi xin bổ sung một câu nữa thôi … để các đồng chí biết thông tin: trong dự thảo chiến lược lúc đầu viết là “đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế”. Thế thì các đồng chí bảo: không được! Đưa ra rồi! Bảo: không! phải thêm cái chữ ‘hệ thống’ vào”. “Đổi mới hệ thống chính trị” cơ chứ không phải “đổi mới chính trị”, mà ý của anh em viết chiến lược là đổi mới chính trị là bắt đầu từ thể chế, đúng không ạ? Bây giờ anh bỏ ra chỉ “đổi mới hệ thống chính trị” thôi tức là nhẹ đi rất nhiều. Mà chỉ nói đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thôi chứ không nói đổi mới Đảng. Thế cho nên nó có những vấn đề zíc zắc như thế, nó khó lắm.
Hai là lại nói thế này: chúng ta chậm đổi mới tư duy phát triển. Thế các đồng chí bảo: tư duy phát triển là gì? Thế mới gay chứ anh ạ. Cuối cùng là phải nắn nó lại: “đổi mới tư duy phát triển kinh tế xã hội”.  Thêm vào đó được bốn chữ “kinh tế xã hội” thì được chấp nhận. Còn nếu mà chỉ nói “đổi mới tư duy phát triển” không thôi thì không được chấp nhận. Mà các anh các chị biết, đổi mới đâu chỉ có kinh tế xã hội không, cả chính trị nữa chứ? Mà khi nói “đổi mới tư duy phát triển” có nghĩa là đổi mới tư duy toàn diện, chứ không phải chỉ riêng kinh tế xã hội. Đấy! Tôi nói thêm mấy thông tin đó để các anh các chị biết là cái sự đổi mới của chúng ta nó gian khổ và nó còn nhiều cái ngập ngừng lắm chứ không phải là dễ.
GS Vũ Huy Từ (?):Thưa anh Trần Phương và thưa tất cả các anh các chị! Tôi nhất trí với lại ý kiến từ sáng đến giờ. Và tôi nói thật với các đồng chí là chưa bao giờ là chúng ta đứng trước nhiều thách thức như bây giờ. Mà về phía dân tôi thấy bây giờ người ta cũng ít tin tưởng, phải nói như thế. Cái niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước, với chế độ thì phải nói là xuống cấp ghê gớm. Và dân bây giờ người ta hầu như … nếu người ta … đương nhiên cuộc sống người ta phải tự sống, phải tìm mọi cách để lăn lộn để sống. Cho nên người ta cũng chẳng muốn bàn đến chuyện gì nữa vì bàn cũng chẳng để giải quyết cái gì. Mà các nhà trí thức cũng thế thôi, bây giờ cũng là … vì nói cũng chẳng giải quyết được cái gì.
Cho nên theo cái chung từ lâu rồi trong miền Nam nó có một cái gọi là “chủ nghĩa Mac-Kê-No ấy mà, tức là chủ nghĩa mặc kệ nó. Đảng cứ làm, lãnh đạo cứ làm, nhà nước cứ làm và dân cứ làm. Mỗi người, người nào làm việc ấy, đấy tôi thấy bây giờ có một thực trạng như thế. Thứ hai là hiệu quả kinh tế thì cũng là hầu như là không được quan tâm và rất là lãng phí và thất thoát. Bây giờ, từ sáng đến giờ các đồng chí phát biểu nhiều nhưng tôi thấy có một cái ý này. Tôi muốn lưu ý, hội nghị không quan tâm và ta cũng nên mạnh dạn đề xuất ở trong này.
Trong chiến lược có nói thế này: Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đó, đây là một ý lách rất là hay, rất khéo. Nhưng “đường sắt cao tốc Bắc Nam” là vấn đề còn đang rất là nan giải mà tôi thấy là nếu xây dựng cái này trong giai đoạn này dứt khoát là không nên rồi. Mà năm sáu chục tỷ đô la, không phải là ít. Mà bây giờ chúng ta nếu mà đưa cái này vào chỉ cần thông qua được cái là thôi thì nó sẽ là áp lực và sẽ là cái cớ để người ta thực hiện bằng mọi cách. Mà như chị Thu Hương nói bây giờ vẫn là dự án. Mà có dự án là tiền. Mà năm sáu chục tỷ đô la, tôi nghĩ rằng là khi xây dựng thành công cái này không phải là năm sáu chục tỷ, hàng trăm tỷ. Mà như thế thì chắc người liên quan đến cái này chia nhau không phải là trăm nghìn đô mà hàng triệu, nhiều triệu đô. Đấy cho nên tôi nghĩ là phải đưa cái  ý  này (có tiếng chen vào: “Cái chuyện đường sắt Bắc Nam…). Đấy, Quốc hội là, cũng là … Thì tôi đề nghị chị Thu Hương chỗ Quốc hội cũng phải đặt vấn đề này ra là có nên đưa vào không. Và tôi cho đây là vấn đề đang bàn cãi, chưa rõ, cho nên chưa nên đưa vào cái nhiệm kỳ này. Còn tất cả các cái ý khác tôi cũng đã viết góp một số ý cho nó cụ thể khoảng 6 trang. Bây giờ hết thời gian tôi xin dừng ở đây. Xin cám ơn!

http://www.youtube.com/v/3fUutRGluPs?fs=1&hl=en_US

http://www.youtube.com/v/3S7fQi7nfx4?fs=1&hl=en_US

Bình luận về bài viết này