Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Posts Tagged ‘Mua hết lúa cho dân với giá bảo đảm’

Chuyện doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuyện mua hết lúa cho dân với giá bảo đảm

Posted by BEAR trên Tháng Tám 24, 2008

Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn thoi thóp

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực chống lạm phát và còn cần nhiều thời gian để các biện pháp có thể phát huy tác dụng.

uy vậy trong 5 tháng vừa qua, chính sách thắt chặt tín dụng tiền tệ đã khiến 20% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị xoá tên; 60% còn lại là các doanh nghiệp đang thoi thóp cầm cự chờ cơn bão lạm phát đi qua.

Đó là nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 21/8/2008.

Những doanh nghiệp đã đột tử, theo cách gọi của báo chí, cũng như các doanh nghiệp đang thoi thóp đều là vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế, không cân đối được đầu vào đầu ra do giá nguyên liệu tăng cao và quan trọng hơn cả là vấn đề thiếu vốn, không được ngân hàng tiếp tục cho vay như trước, dù lãi suất cho vay lên tới 21%.

Theo các số liệu của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, toàn quốc có ít nhất 350.000 doanh nghiệp tư nhân có qui mô vừa và nhỏ, theo tiêu chí mỗi doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động.

Tính toán theo sự nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm thì số doanh nghiệp đã chết hoặc ngừng hoạt động có thể ở mức 70.000 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thoi thóp chờ chết hoặc còn hoạt động cầm chừng vào khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp; còn số doanh nghiệp khoẻ mạnh đứng vững trong cơn suy thoái chỉ vào khoảng trên dưới 70.000.

Cùng về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định rằng, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong những năm gần đây có vai trò rất quan trọng, tạo ra 92% công việc làm mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tình trạng hạn chế tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp cạn vốn và khó duy trì hoạt động. Lạm phát chi phí đầu vào cao gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, chưa kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn ngoại tệ để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu.

rong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định về chiều hướng xấu nhất có thể xảy ra.

“Việc một số doanh nghiệp nhất định sẽ bị phá sản cũng là một sự sàng lọc, tuy đau đớn nhưng cần thiết. Trong kinh tế học thì người ta còn nhớ khái niệm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ gốc Áo Alois Schumpeter. Ông này có đưa ra khái niệm là ‘ Sự tàn phá sáng tạo’ tức là ‘ Creative destruction’, là khi phá sản thì nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đó chỉ có người chủ kém năng lực thì sẽ phải thay đổi.

Sẽ có một người chủ mới đến tiếp nhận doanh nghiệp đó, tái cơ cấu lại đầu tư hiện đại hoá hơn và xã hội được hưởng ở một doanh nghiệp có năng lực cao hơn, có năng lực cạnh tranh và đóng góp với xã hội nhiều hơn. Theo tôi đấy cũng là bước đi cần thiết trong thời gian sắp tới đây.”

Vietnam Net cho rằng, cách tốt nhất giúp người lao động là nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Nhà báo trích lời ông Cao Sỹ Kiêm, theo đó tự thân doanh nghiệp phải chấn chỉnh hoạt động để tồn tại. Về phần Nhà nước, cần có các chính sách trọn gói đồng bộ, tạo sự chuyển biến tốt hơn để giảm lạm phát, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, từ đó ổn định kinh tế.

Ngoài ra ông Kiêm cho rằng, đã đến lúc cần phân loại doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần có thêm chính sách an sinh cho người lao động.

Ông cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước cho rằng thị trường sẽ tự điều chỉnh. Vai trò của Nhà nước là tạo ra các yếu tố về chính sách và áp dụng để tạo thêm nhiều việc làm, trao thêm nhiều cơ hội cho người lao động. Đó là tìm lối ra cho người lao động gắn với việc mở rộng đường cho doanh nghiệp tư nhân.

Vietnam Net trích lời ông Cao Sĩ Kiêm xác định rằng, những hoạt động vừa nói đòi hỏi thời gian, không thể làm nhanh làm gấp, nhất là trong bối cảnh lạm phát khốc liệt này. Theo lời ông, phải chịu và tự chấp nhận, chỉ cần xác định trước sau, nhanh chậm.

Mua hết lúa cho dân với giá bảo đảm: nói vậy chưa phải vậy

Chính phủ chỉ đạo mua hết lúa hàng hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long với giá bảo đảm cho nông dân có lời 40% tức từ 5 ngàn đồng/kg trở lên trong điều kiện chi phí đầu vào hiện nay. Doanh nghiệp đưa ra nhiều vướng mắc khó khăn để lý giải tình trạng trầm lắng suốt hơn tháng qua.

“Nông dân bây giờ khổ lắm…”

Nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long phấn khởi khi các báo đài đưa tin Hội nghị trực tuyến về lúa gạo tổ chức ở Hà Nội ngày 9/8. Người trồng lúa yên lòng với cam kết của chính phủ rằng sẽ mua hết 4 triệu tấn lúa của nông dân với giá bảo đảm 5.000đ/kg từ nay tới cuối năm. Chúng tôi trao đổi nhanh với 1 nông dân vùng ĐBSCL vào ngày 14/8 để cập nhật thông tin:

“Nói thì nói vậy chứ giá lúa hiện nay có 4.200-4.300đ/kg không có ghe mua hiện tại không có ghe mua ghe mua ít lắm mà lúa bây giờ thì nhiều rồi. Chính phủ nói mua lúa cho dân nhưng doanh nghiệp không chịu mua thì làm sao?

Tình hình trước mắt giá khoảng 4.500đ/ là chúng tôi không có lời. Có người bán lúa 4.000đ/kg có người 4.200đ/kg bán được 4.500đ là ít lắm chưa có chuyển động gì hết. Vấn đề kho trữ chưa biết tính làm sao hiện tại trước mắt cứ mua bao trữ đậy lại che để ngoài nắng vậy đó mình đâu có chuẩn bị việc này hồi nào giờ thu hoạch xong là bán..

Khi mưa thì mình dùng cao su đậy lúa bao và chờ theo tôi nghĩ chắc cũng chờ một thời gian rồi dù giá mấy cũng phải bán. Đa số 100% nông dân mắc nợ ngân hàng anh không bán thì phải chịu tiền lãi mà lãi suất bây giờ cao chứ không như năm ngoái nữa.

Nông dân giờ khó khăn lắm giá lúa thì không lên mà giá phân bón vật tư anh ngủ một giấc thức dậy nó lên 30% 40% mà giá lúa cứ nằm ngậm một chỗ nông dân bây giờ khổ lắm.”

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vấn đề bảo đảm giá lúa là bài toán khó ông nói:

“Chính phủ hứa hẹn là 5.000đ/kg nhưng mà không ai đảm bảo là 5.000đ được cả. Không bán dưới 5.000đ thì người ta không mua. Ví dụ hiện nay có cái khó như là cá tra cá basa chính phủ hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để các doanh nghiệp thu mua cho dân nhưng tới giờ này doanh nghiệp giải ngân đâu có bao nhiêu.

Thành ra cái lúa này cũng tương tự không có đầu ra các doanh nghiệp không thấy được hiệu quả giá không lời họ không mua ai cần thiết bán giá thấp thì họ mua như thế người dân bị thiệt.”

Việc khai thông thị trường lúa gạo 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là một chuỗi liên hoàn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:

Gạo thế giới lúc này còn ở mức cao nhưng mà cái lợi nhất nó đã qua rồi. Các doanh nghiệp chần chừ tới lúc bán được ra thì giá lại thấp ngoài thị trường thế giới.

Như vậy dự báo tiêu thụ gạo trên thế giới là một thứ hai đợi giá cả phù hợp thì mình phải có phương tiện tồn trữ đảm bảo về kho tàng về nguồn vốn dự trữ mạnh thì mới làm ăn được. Còn nếu mà như hiện nay kho tàng dự trữ mình yếu và nguồn vốn mình khó khăn các doanh nghiệp băn khoăn chính những cái đó là nhược điểm trong xuất khẩu gạo của Việt Nam.”

Chính phủ hứa hẹn thu mua 4 triệu tấn lúa hàng hoá với giá đảm bảo từ nay đến cuối năm là tin vui cho người trồng lúa. Nhưng thực hiện việc này ra sao lại là một vấn đề khác nhất là vụ hè thu và vụ 3 có sản lượng tổng cộng lên tới 10 triệu tấn lúa lượng lúa tồn trong dân sẽ rất nhiều. Các vụ mùa trước không có chuyện lúa ế nông dân chỉ bị ép giá nhiều hay ít mà thôi.

Mời xem thêm:THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY

Posted in Agriculture, Economic, Inflation, Management | Thẻ: , , , | Leave a Comment »