Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Posts Tagged ‘nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng’

Đảng cử, Dân bầu…: Bầu cử tại Quốc hội là cuộc bầu cử mở rộng trong nội bộ Đảng!

Posted by BEAR trên Tháng Tám 21, 2009

“Lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, bí mật cho đến giờ phút cuối cùng. Đã bí mật đến giờ phút cuối cùng thì khi ra Đại hội cứ thế mà bầu thôi”
– Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương

Kinh nghiệm Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu

Phiếu cao mà tín nhiệm thật lại quá thấp là cao giả tạo, ru ngủ lẫn nhau, không thật lòng mình, không được lòng người, không hay cho Đảng, không lợi cho Dân, ta không được làm.

Lựa chọn, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII ngày 20 tháng 5 năm 2007 đã thành công với nhiều đổi mới và tiến bộ, chất lượng được nâng cao, nhất là về mặt dân chủ.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XII, Quốc hội tiến hành bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao nhà nước. Chất lượng bầu và phê chuẩn nhân sự tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của đất nước; trực tiếp quyết định tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống nhà nước trong suốt nhiệm kỳ.

Ảnh: nguoidaibieu

Cuộc bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao nhà nước cũng được tiến hành với phương thức Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu.

Nói Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu là nói gọn về mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với quyền quyết định của Quốc hội trong bầu cử; còn nói đầy đủ thì phải nói tới cả quyền tự ứng cử và quyền đề cử của đại biểu Quốc hội.

Đảng giới thiệu trong trường hợp này là Ban Chấp hành trung ương và Bộ chính trị.

Khi Bộ chính trị giới thiệu thì các ủy viên Ban chấp hành Trung ương là Chủ nhiệm ủy ban, Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy,…và toàn bộ số đảng viên là cán bộ trung cao cấp – đại biểu chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội chưa được tham gia bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng.

Khi Ban Chấp hành trung ương giới thiệu thì toàn bộ số đảng viên là cán bộ trung cao cấp – đại biểu chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội chưa được tham gia bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng. Đây là một đặc điểm rất quan trọng có quan hệ hữu cơ tới việc thực hiện cụ thể nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo. Đảng giới thiệu nhân sự thông qua Đảng đoàn Quốc hội.

Theo luật định thì Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch nước và đồng chí Thủ tướng Chính phủ sẽ trình dự kiến nhân sự cụ thể để Quốc hội thảo luận, đại biểu tiến hành ứng cử và đề cử, sau đó cơ quan và các chức danh trình nhân sự báo cáo tiếp thu và giải trình những vấn đề cần thiết trước khi Quốc hội chốt danh sách để bầu và phê chuẩn.

Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu là một cơ chế cần thiết và tối ưu trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quyền quyết định trực tiếp của Quốc hội, vừa khắc phục được sự hạn chế phiến diện và sự chủ quan áp đặt, và cuối cùng để đi tới ý Đảng lòng Dân là một. Lòng Dân là gốc. Lòng Dân cụ thể ở đây là lòng Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Dân.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng công đoạn Đảng giới thiệu và chất lượng công đoạn Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chúng ta nói Quốc hội bầu là nói về mặt chức năng của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Còn đứng về mặt thực chất mà nói thì cuộc bầu cử tại kỳ họp Quốc hội cũng có thể được coi như là cuộc bầu cử mở rộng trong nội bộ Đảng, có thể được coi như là cuộc bầu cử của trên dưới 90% đại biểu là đảng viên của Đảng.

Như trên đã nói, đa số tuyệt đối những đảng viên – đại biểu này chưa được tham gia ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng. Lãnh đạo Đảng giới thiệu, sau đó chủ yếu là những đảng viên – đại biểu thảo luận tham gia ý kiến và giới thiệu thêm, cuối cùng Quốc hội bầu. Đây là một đặc điẻm rất lớn của Quốc hội nước ta trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo.

Nhìn lại một số cuộc bầu cử của những khóa Quốc hội gần đây, chúng ta thấy có một số trường hợp cụ thể cá biệt có thể nghiên cứu để rút kinh nghiệm như sau:

– Trường hợp thứ nhất, lãnh đạo Đảng giới thiệu nhân sự ứng cử, khi Quốc hội thảo luận và lấy phiếu thăm dò thì được đa số nhất trí, một số ý kiến còn băn khoăn đã được lãnh đạo giải trình thuyết phục, khi bầu chính thức thì các ứng cử viên đó đều trúng cử, nhưng số phiếu tín nhiệm của từng người thì cao thấp khác nhau, có trường hợp khác nhau nhiều, điều đó chứng tỏ có nhiều đại biểu – đảng viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho ứng cử viên nào đó.

Trường hợp thứ hai, lãnh đạo Đảng giới thiệu nhân sự ứng cử, khi Quốc hội thảo luận và lấy phiếu thăm dò thì được đa số nhất trí, nhưng đa số không cao, tuy đã được lãnh đạo giải trình nhưng vẫn còn có phần miễn cưỡng, khi bầu chính thức thì thường không trúng cử, nếu được trúng cử thì phiếu rất thấp, điều đó cũng chứng tỏ nhiều đại biểu – đảng viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho ứng cử viên nào đó.

– Trường hợp thứ ba, lãnh đạo Đảng giới thiệu nhân sự ứng cử, khi Quốc hội thảo luận và lấy phiếu thăm dò thì đa số không nhất trí, tức là đa số đại biểu – đảng viên không nhất trí. Lãnh đạo Đảng đã tiếp thu ý kiến của Quốc hội và giới thiệu nhân sự khác thay thế.

  • Cũng có trường hợp lãnh đạo Đảng giữ ý kiến giới thiệu ban đầu của mình,

lãnh đạo Đảng càng giải trình thì phiếu thăm dò lần sau lại càng giảm sút so với lần trước, tức là đa số đại biểu – đảng viên không nhất trí, cuối cùng lãnh đạo Đảng cũng tiếp thu rút khỏi danh sách đề cử và giới thiệu người khác thay thế. Những trường hợp lãnh đạo Đảng tiếp thu ý kiến của Quốc hội và giới thiệu nhân sự khác thay thế, trong đó thường là những nhân sự được nhiều đại biểu Quốc hội giới thiệu, không khí trong đại biểu thoải mái, khi bầu chính thức thì các ứng cử viên đó đều trúng cử nhưng cũng với số phiếu tín nhiệm cao thấp khác nhau. Cũng như những trường hợp nêu trên, chứng tỏ có nhiều đại biểu – đảng viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho ứng cử viên nào đó.

– Trường hợp thứ tư, lãnh đạo Đảng giới thiệu nhân sự ứng cử vào một chức danh nhất định, khi Quốc hội thảo luận và lấy phiếu thăm dò thì đa số nhất trí, song nhiều đại biểu, mà chủ yếu là đại biểu – đảng viên, lại đề nghị giới thiệu thêm một ứng cử viên nữa để Quốc hội lựa chọn bầu một trong hai người, vì hai người đó đều là đảng viên của Đảng, đề nghị đó là đúng luật và đã được lãnh đạo Đảng nhất trí ủng hộ, không khí trong đại biểu thoải mái, và Quốc hội đã bầu được một người với số phiếu tín nhiệm cách biệt không xa lắm đối với ứng cử viên kia. Cũng có trường hợp bầu một trong hai ứng cử viên nhưng không người nào trúng cử, cuộc bầu cử đó phải chuyển sang phiên họp khác, thậm chí có khi phải chuyển sang kỳ họp khác. Trường hợp này cũng vậy, chứng tỏ có nhiều đại biểu – đảng viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho ứng cử viên nào đó.

Những trường hợp nêu trên đã diễn ra chủ yếu là do ý kiến tham gia đề xuất và lá phiếu tín nhiệm của những đại biểu – đảng viên, vì những đại biểu – đảng viên thường nắm được nhiều thông tin và lại chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội.

Qua những trường hợp cụ thể cá biệt nêu trên, thường có ít nhất hai loại ý kiến như sau:

– Loại ý kiến thứ nhất cho rằng như vậy là bình thường, dân chủ, đúng luật, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa bảo đảm quyền quyết định của Dân, ở đây là quyền quyết định của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dù Quốc hội quyết định cụ thể như thế nào thì về thực chất cũng vẫn là quyết định của Đảng, vì trên dưới 90% đại biểu là đảng viên của Đảng.

– Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng như vậy là không bình thường, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, lúc bầu chính thức lại khác với lúc thăm dò là không trung thực, đảng viên là đại biểu Quốc hội mà lại có ý kiến khác và không bỏ phiếu cho nhân sự do lãnh đạo Đảng giới thiệu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, làm mất uy tín của đảng viên được lãnh đạo Đảng giới thiệu, cần phải được xem xét kỷ luật.

Ảnh: na.gov.vn

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật xem Đảng và Nhà nước ta đã xử lý như thế nào về những trường hợp cụ thể đó.

Trong thực tiễn thì Đảng đã không có kết luận chính thức gì về việc vi phạm hay không vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, và cũng không kỷ luật một đồng chí nào, không định kiến với đồng chí nào có liên quan đến những vụ việc cụ thể cá biệt nêu trên, kể cả đối với một số đại biểu – ủy viên trung ương đã công khai phát biểu không tán thành với cách làm, cách giải trình của lãnh đạo Đảng về ưu khuyết điểm của nhân sự dự kiến đó. Kết quả bầu và phê chuẩn nhân sự của Quốc hội trong những trường hợp cụ thể cá biệt nêu trên là đúng pháp luật và đã được chấp hành nghiêm chỉnh trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội.

Tóm lại, kinh nghiệm Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu đã nói lên rằng, những trường hợp cụ thể cá biệt nêu trên đã diễn ra

  • đúng pháp luật,

và nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng đã được vận dụng cụ thể trong hoạt động của Quốc hội như vậy là đúng và phù hợp với điều kiện của nước ta chỉ do một đảng duy nhất lãnh đạo, nhằm mục đích đạt chất lượng tốt nhất có thể trong bầu cử.

Vấn đề này tuy vẫn còn ý kiến cá nhân khác nhau, song như đã trình bầy, nó đã được Đảng và Nhà nước ta

  • mặc nhiên thừa nhận chính thức

trong thực tiễn cuộc sống tại nhiều khóa Quốc hội trước đây.

Nếu Đảng giới thiệu nhân sự mà đúng cả và tài đức bằng nhau cả thì quá lý tưởng, quá tốt cho Dân, cho Quốc hội, chắc chắn sẽ được đa số đại biểu nhất trí, và số phiếu tín nhiệm của từng ứng cử viên sẽ nhận được gần bằng nhau, tất cả đều đạt khoảng trên dưới 90% , vì số đại biểu – đảng viên chiếm khoảng 90% tổng số đại biểu Quốc hội, và lúc đó sẽ không phải tranh luận về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ như vậy là đúng hay sai, hoặc tại sao những ứng cử viên cùng là đảng viên mà số phiếu tín nhiệm lại cao thấp khác nhau.

Đó chỉ là lòng mong ước có tính lý tưởng tuyệt đối, còn trong thực tiễn thì khó mà có những ứng cử viên – đảng viên tài đức đều như nhau. Trường hợp lãnh đạo Đảng giới thiệu nhân sự mà chưa đúng hết thì sao, và đức tài của các ứng cử viên đó không đồng đều nhau thì sao, cứ để thế mà bầu và phải bầu cho mỗi ứng cử viên – đảng viên số phiếu bằng nhau để cho đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, hay cần đề xuất để lãnh đạo Đảng bổ khuyết lại trường hợp chưa đúng, và bầu cho mỗi ứng cử viên – đảng viên số phiếu tín nhiệm khác nhau tương ứng với tài đức của từng người?

Giữ vững nguyên tắc để đi tới quyết định sáng suốt, ngọc đá phân minh, hay giữ vững nguyên tắc để đi tới quyết định sai lầm, vàng thau lẫn lộn? Nguyên tắc không phải vì mục đích tự thân. Nguyên tắc phải phục vụ mục đích đánh giá đúng người hiền tài, phân biệt tín nhiệm cao thấp khác nhau tùy theo tài đức của từng người.

Chúng ta chấp hành nguyên tắc để nhằm mục đích đánh giá đúng đức tài, đánh giá đúng sự tín nhiệm cụ thể của từng người. Hiểu và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ một cách máy móc trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo sẽ đi tới kết quả tai hại là tài đức tuy khác nhau, sự tín nhiệm cũng khác nhau, nhưng số phiếu tín nhiệm của họ lại gần như nhau, vì các đại biểu – đảng viên phải chấp hành máy móc nguyên tắc tập trung dân chủ, phải bỏ phiếu tín nhiệm bằng nhau cho các ứng cử viên – đảng viên tài đức khác nhau.

Phiếu cao mà tín nhiệm thật lại quá thấp là cao giả tạo, ru ngủ lẫn nhau, không thật lòng mình, không được lòng người, không hay cho Đảng, không lợi cho Dân, ta không được làm.

Lòng Dân luôn là điểm xuất phát và cũng là đích cuối cùng cho mỗi suy nghĩ và việc làm của Đảng, Nhà nước cũng như của từng đại biểu Quốc hội. Ảnh: vnmedia.

Thực tiễn thì lãnh đạo Đảng ta cũng đã có những khiếm khuyết nhất định trong trường hợp cụ thể nào đó, nên lãnh đạo Đảng ta đã tiếp thu và điều chỉnh phù hợp thể theo ý kiến đúng đắn của nhiều đại biểu Quốc hội.

Tương tự như vậy, ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội cũng không phải lúc nào cũng đúng, khi chưa được giải trình thì nhiều đại biểu Quốc hội không nhất trí với dự kiến nhân sự nào đó, sau khi được giải trình với những thông tin đầy đủ, xác thực và thuyết phục thì lại nhất trí với sự tiến cử của lãnh đạo Đảng. Cũng có trường hợp do thông tin thiếu khách quan và vì nhiều lý do khác nữa chi phối, làm cho đại biểu không tiếp thu đầy đủ lý lẽ giải trình của lãnh đạo, nên kết quả bầu cử chưa phản ánh đúng được thực chất của vấn đề, có khi không chính xác, hậu quả kéo dài cả nhiệm kỳ.

Như vậy, phương thức Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu, như Đảng và Quốc hội đã làm, có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng. Nếu hiểu đúng và chấp hành đúng, từng công đoạn bầu cử được thực hiện với chất lượng cao thì sẽ phát huy được mặt mạnh, khắc phục được mặt hạn chế của khâu giới thiệu cũng như khâu bầu và phê chuẩn nhân sự, đó chính là điều kiện để đi tới quyết định sáng suốt nhất có thể, tuy không tuyệt đối, song là phương thức cần thiết và hợp lý nhất trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo để bảo đảm chất lượng tối ưu.

Vấn đề cốt yếu là Đảng cần nâng cao năng lực và nghệ thuật lãnh đạo, nâng cao chất lượng tiến cử nhân sự, cả đảng viên, cả người ngoài đảng; đồng thời cần tôn trọng lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh phù hợp và giải trình thuyết phục.

Đại biểu Quốc hội cần đề cao trách nhiệm của mình,

  • phải thật sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Dân, những đại biểu – đảng viên phải vận động thuyết phục mọi người thực hiện chủ trương lãnh đạo theo sự giải trình của lãnh đạo Đảng,
  • đồng thời phải độc lập suy nghĩ để góp phần vào chủ trương lãnh đạo của lãnh đạo Đảng và sự lựa chọn quyết định của Quốc hội được sáng suốt nhất, phù hợp với lòng Dân nhất.

Người đảng viên – đại biểu phải làm việc bằng cả hai vai,

  • vai đảng viên

  • và vai đại biểu,

cả hai vai đều phải lấy lòng Dân làm gốc. Lòng Dân luôn là điểm xuất phát và cũng là đích cuối cùng cho mỗi suy nghĩ và việc làm của Đảng, Nhà nước cũng như của từng đại biểu Quốc hội.

Những trường hợp cụ thể về Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu đã từng diễn ra khá phong phú, làm nảy sinh những ý kiến khác nhau và tranh luận sôi nổi tưởng như vi phạm nặng nề về nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng thực chất không phải như vậy, thực chất chỉ xoay quanh chất lượng nhân sự của ứng cử viên, nhằm mục đích bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của nhà nước được sáng suốt nhất.

Việc vận dụng cụ thể nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo như Đảng và Nhà nước ta đã làm là thể hiện tinh thần dân chủ thật sự trong hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng và Nhà nước ta để đánh giá và bố trí cán bộ sao cho đúng nhất và tốt nhất có thể. Đây là đặc điểm lớn nhất, làm sao để thực hành dân chủ ngày càng tốt hơn trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo. Việc làm đó cần được khẳng định để chúng ta tiếp tục phát huy ngày càng tốt hơn.

Nhìn lại kinh nghiệm xử lý một số trường hợp cụ thể về phương thức Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu của những khoá gần đây có thể cụ thể phần nào đối với một số đại biểu Quốc hội khóa trước.

  • Nguyễn Văn An

Posted in Government, Management | Thẻ: | Leave a Comment »