Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Có những lá thư nặc danh chân chính

Posted by BEAR trên Tháng Một 6, 2011

Có những lá thư nặc danh chân chính

Chưa bao giờ chuyện thư nặc danh ở Việt Nam lại trở thành một vấn đề phức tạp và cần báo động như bây giờ. Và cho dù thế nào thì vấn đề hiện nay của thư nặc danh cũng cho chúng ta một chỉ số về 2 điều quan trọng của một xã hội: Nhân cách và dân chủ.

Theo cách nhìn của tôi, những lời lẽ hay những thông tin công khai nhưng ẩn danh về một người hay một tổ chức có thể gọi chung là thư nặc danh. Tôi nói vậy bởi lâu nay, với những bước tiến về dân chủ và công nghệ thông tin, người ta có thể dùng nhiều hình thức và phương tiện để gửi thông tin đi. Hoặc công khai những lời lẽ của mình như tin nhắn, bài viết, các nhận xét trên các blog, trang web và những lá thư được đánh vi tính hoặc cả viết tay…

Một lối sống thiếu văn minh, văn hóa

Khi có điện thoại di động, con người bắt đầu được giải phóng mình khỏi những “căn phòng chật hẹp” của thông tin liên lạc. Ở đầu này trái đất người ta có thể nói chuyện hay gửi tin nhắn cho nhau đến đầu kia của trái đất. Nhưng những điều tệ hại cũng bắt đầu lợi dụng môi trường của phương tiện thông tin để lan truyền như một bệnh dịch. Vì chế độ kiểm duyệt điện thoại di động của chúng ta quá kém mà ai cũng có thể mua một cái sim rất rẻ dùng một thời gian hoặc thậm chí một ngày để thực hiện một phi vụ gì đó rồi vứt đi mà không ai lần ra dấu vết.

Họ dùng tin nhắn để bôi nhọ, chửi bới, vu cáo… một người nào đó mà họ không ưa hoặc thù hận. Với tôi, đây cũng là một hình thức của thư nặc danh. Rồi họ lập ra bao nhiêu hộp thư điện tử tùy theo ý muốn và tự do bôi nhọ, chửi bới, vu cáo người khác trên các blog, trang web… dưới dạng thư phản hồi với đủ loại bí danh. Tình trạng này quá phổ biến ở Việt Nam. Nó diễn ra ở ngay các blog, trang web… của những người có danh trong xã hội chứ không phải là trên blog hay trang web của những người vô công rồi nghề.

Sẽ không bao giờ hết thư nặc danh hoặc các hình thức như thư nặc danh với nội dung thiếu thiện chí và mục đích xấu gây ảnh hưởng cho con người và xã hội. Nhưng nhân cách và nền dân chủ một xã hội sẽ ra sao khi hầu hết những người đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, cho những điều tốt đẹp lại phải không đủ điều kiện cho sự an toàn của cá nhân họ và gia đình họ để công khai một cách kiêu hãnh về hành động chân chính của mình. Để đến nỗi không ít người viết thư nặc danh mà vẫn sợ bị vùi dập hay trả thù.

Tình trạng đó cho thấy một lối sống thiếu văn minh, văn hóa. Những người như thế biến một thành tựu của nền công nghệ tin học thành phương tiện cho những hành động kém nhân cách và độc ác. Nếu thực sự họ tin vào tính thiện chí, tính xây dựng và tính dân chủ trong hành động của họ thì họ sẽ sẵn sàng xưng chính danh của họ. Nhưng tệ hại thay, đó chỉ là những tức tối cá nhân, những đố kị, ghen ghét… mà thôi.

Ngày nay, người ta viết thư nặc danh và gửi đi chủ yếu dưới hai dạng: Văn bản in trên giấy và văn bản soạn thảo trong máy tính. Vì thế, thư nặc danh ngày càng nhiều hơn bởi dễ thực hiện hơn và không để lại nguồn gốc của người gửi hay nơi gửi.

Trước kia, thư nặc danh có lúc được dùng như một bằng chứng ở mức nào đó. Tất nhiên nó không được dùng trong các cơ quan luật pháp mà chỉ dùng trong các cơ quan, tổ chức mà thôi. Tuy nhiên trong rất nhiều lá thư nặc danh mang tính gây rối, chửi bới, vu khống, bôi nhọ… thực hiện dưới nhiều hình thức cũng có những lá thư nặc danh chân chính

Một sự thật cho thấy: Nếu những người quản lý cơ quan muốn dùng thư nặc danh để quy kết đối tượng mà thư nặc danh đề cập tới thì họ sẽ dùng thư nặc danh. Nếu thư nặc danh không để kết tội người bị hại thì cũng để bôi nhọ thanh danh của người đó. Cứ tung nội dung thư nặc danh ra giữa cơ quan, giữa công chúng để mọi người biết cho người bị hại thân liệt danh bại là đủ rồi.

Thực tế có một thời, một cán bộ có thư nặc danh tố cáo chuyện này chuyện nọ cho dù không có bằng chứng cụ thể thì sự nghiệp người đó cũng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, thậm chí tan nát. Nhưng sau này, thư nặc danh không còn “giá trị” nữa cho dù nó chỉ còn tác dụng như một đòn chiến tranh tâm lý.

Sự thật cay đắng và tính trung thực trong thư nặc danh

Thế nhưng, có một sự thật về thư nặc danh ở nước ta mà tôi phải nói đến. Đó là vấn đề dân chủ.

Dân gian có câu: “Con kiến kiện củ khoai” để nói về sự vô nghĩa trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải của những người dân.

Câu nói này của dân gian vẫn còn giá trị cho đến tận bây giờ. Một người nông dân thật khó mà thắng kiện một ông lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh. Thực tế này hiển hiện quá nhiều mà ai cũng phải thừa nhận. Không những người dân hay một cán bộ bình thường kiện lãnh đạo của mình không thể thắng kiện mà còn phải chịu hậu quả nặng nề từ chuyện kiện ấy.

Vì lý do ấy mà hầu hết những người đấu tranh cho sự công bằng và trong sạch của xã hội tuy không từ bỏ cuộc đấu tranh của mình nhưng phải rút vào “bí mật” và đấu tranh bằng một phương pháp ít hiệu quả nhất: Thư nặc danh. Họ gửi thư nặc danh nhằm cảnh báo hoặc gián tiếp thông tin cho những người và cơ quan có trách nhiệm về một cá nhân hoặc một tập thể nào đó đã có những hành vi vi phạm đạo đức hoặc vi phạm luật pháp.

Họ gửi những lá thư nặc danh mà họ chẳng hề muốn với tràn ngập nỗi buồn vì điều ấy. Nhưng họ vẫn tin có những người có đôi mắt “con ngươi vàng” có thể thấy được dù sớm hay muộn sự thật cay đắng và tính trung thực trong những cái gọi là thư nặc danh.

Luật pháp quy định thư nặc danh không có bất cứ giá trị gì để có thể tiến hành phê phán, kỷ luật, truy tố, buộc tội... cá nhân hay tập thể bị lên án kia. Đó chính là tính khoa học và công bằng của luật pháp. Nhưng nó có những giá trị nhất định và tính tích cực trong sự “tiêu cực” của người viết thư nặc danh. Nó nhắc nhở những người có trách nhiệm và những cơ quan chức năng về mặt trái của những điều tốt đẹp.

Nó thông báo về những nguy cơ tồi tệ đang xẩy ra. Từ đó, những người có trách nhiệm và những cơ quan chức năng có những biện pháp tìm hiểu sự thật mà thư nặc danh nói đến.

Nếu chúng ta vô trách nhiệm với xã hội và đất nước, chúng ta sẽ đưa ra một lý do nghe rất “hợp lý” khi nhận được những thư nặc danh: Thư nặc danh không có cơ sở để tiến hành điều tra. Và chúng ta vứt những lá thư nặc danh chân chính vào cùng những lá thư nặc danh khác. Nhưng trước khi “tin hay không tin” vào những thông tin mà thư nặc danh cung cấp, những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng phải đặt câu hỏi thông qua phân tích nội dung thư nặc danh về tính chân thực của những thông tin đó.

Điều này có thể khó nhưng không phải không làm được. Hơn nữa, có những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, email, thư bằng văn bản… thông báo một nguy cơ sắp xẩy ra với xã hội hay với một cá nhân con người như cướp ngân hàng, đặt bom mìn, giao hàng hóa cấm(thuốc nổ, ma túy…), tấn công có hung khí….

Nếu chỉ coi đó là những “thư nặc danh” mà bỏ qua thì là sự vô trách nhiệm và gián tiếp có tội nếu những tội ác kia xẩy ra. Ở các nước khác trên thế giới, mỗi khi nhận được tin báo như nói ở trên thì cơ quan chức năng nhanh chóng đến mức có thể triển khai các phương án để ngăn chặn những hậu quả có thể xẩy ra với con người.

Nhân cách và nền dân chủ xã hội sẽ ra sao?

Và điều quan trọng là những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng ở Việt Nam phải thấu hiểu rằng: Không phải ai đấu tranh chống lại cái xấu và cái ác cũng đều dám công khai tên tuổi của mình.

Đấy chính là sự xấu hổ của chúng ta khi những người đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng, dân chủ… lại sợ hãi những kẻ chà đạp lên lẽ phải, lên sự công bằng và lên nền dân chủ mà đất nước phải đổ cả máu mới giành được.

Xấu hổ bởi những kẻ xấu lại trở thành nỗi đe dọa và sự thắng thế với người tốt. Và thư nặc danh ở một nghĩa nào đó chính là những tiếng kêu cứu của con người về những điều xấu xa, độc ác và nguy hiểm đang đe dọa cá nhân một con người hay đe dọa cả xã hội. Và sự thật, đôi lúc đó là một tiếng kêu tuyệt vọng.

Sẽ không bao giờ hết thư nặc danh hoặc các hình thức như thư nặc danh với nội dung thiếu thiện chí và mục đích xấu gây ảnh hưởng cho con người và xã hội.

  • Nhưng nhân cách và nền dân chủ một xã hội sẽ ra sao khi hầu hết những người đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, cho những điều tốt đẹp lại phải không đủ điều kiện cho sự an toàn của cá nhân họ và gia đình họ để công khai một cách kiêu hãnh về hành động chân chính của mình.

Để đến nỗi không ít người viết thư nặc danh mà vẫn sợ bị vùi dập hay trả thù.

Chính vì những lẽ tôi vừa đề cập ở trên mà tôi có thể nói: Những người tốt vẫn cứ phải viết thư nặc danh đã gián tiếp cho chúng ta thấy sự  thật về sự trong sạch và dân chủ của một xã hội như thế nào.

Bình luận về bài viết này