Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Archive for the ‘WTO’ Category

Nền kinh tế phi thị trường?

Posted by BEAR trên Tháng Năm 14, 2008

Thế nào là nền kinh tế thị trường? Nền kinh tế thị trường theo quan điểm của WTO là những nền “thương mại tự do” tuyệt đối, các doanh nghiệp tham gia thị trường hoàn toàn độc lập với chính phủ nước họ. Nghĩa là mọi đối tác khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế phải là những thực thể kinh tế độc lập. Và các quyết định đưa ra của các thực thể này cũng phải độc lập với ý muốn của nhà nước và chỉ dựa trên lợi ích kinh tế của mình. Độc lập cả về chiến lược kế hoach đầu tư kinh doanh, địa bàn kinh doanh, giá cả hàng hoá, vốn liếng, lợi nhuận, nhân sự, lương bổng v.v.. .

Các doanh nghiệp chỉ phục tùng luật pháp, đóng thuế theo luật trong nước cũng như nước mà họ đầu tư đến. Họ không chịu bất cứ một mệnh lệnh hành chính nào đến từ các cấp chính quyền. Trái với những điều nói trên là nền kinh tế phi thị trường.

Việt Nam

http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsId=12423&topicId=0&zoneId=76

Theo cam kết, WTO coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào thời điểm “không sớm hơn ngày 31/12/2018”.

Xem xét trên góc độ các quy định của WTO, thách thức lớn nhất đối với nước ta khi gia nhập WTO không phải là các doanh nghiệp, mà chính là khu vực quản lý Nhà nước. Hiện nay vẫn còn tình trạng chính quyền đang “quyết” rất nhiều việc của doanh nghiệp, mà chưa tạo cho doanh nghiệp quyền độc lập.

Trong nền kinh tế thị trường của chúng ta hiện còn rất nhiều yếu tố bao cấp, chưa thoát khỏi tình trạng “kế hoạch hoá tập trung quan liêu” cũ. Ở các Tập đoàn, TCT, DNNN 100% vốn nhà nước, Nhà nước hoàn toàn quyết định về nhân sự, vốn liếng, duyệt kế hoạch kinh doanh, quy định giá mua, bán, được vay vốn ưu đãi, được giãn nợ, khoanh nợ, khoanh lỗ; được ưu đãi trong cấp đất v.v… Do có “bầu sữa mẹ” nên nhiều DNNN thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vẫn tồn tại! Những doanh nghiệp như thể thì không thể “độc lập” theo yêu cầu của WTO được.

Và những bất lợi

Việc chưa được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất lợi.

Thứ nhất, tất cả các thành viên WTO đều có thể kiện một hay nhiều mặt hàng của ta là “bán phá giá”. Vì Việt Nam là nền “kinh tế phi thị trường” nên họ không cần đi điều tra thực tế, mà chỉ căn cứ vào giá cả một nước có trình độ tương ứng để phán quyết việc bán phá giá. Các nước nhập khẩu sẽ cho rằng: “Chi phí và giá cả ở Việt Nam không hợp lý vì được Chính phủ trợ giá”, nên họ không tính giá chi phí thực tế trong nước. Đó là sự bất lợi rất lớn. Vụ Mỹ ra phán quyết về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa là một kinh nghiệm nhãn tiền.

Trung Quốc từ khi gia nhập WTO đến nay, mỗi năm có 20 vụ kiện bán phá giá (Trung Quốc cũng là nước có nền kinh tế “phi thị trường” trong vòng 15 năm). Khi một nước bị coi là nền “kinh tế phi thị trường”, WTO sẽ có những quy chế giám sát đặc biệt. Các vụ kiện “bán phá giá” sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người lao động và thu nhập của ngân sách quốc gia.

Thứ hai, do VN là thành viên dự khuyết trong WTO, nên các phản ứng, kiện tụng của VN sẽ ít được xem xét. Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO sẽ không cho chúng ta cơ hội để cứu vãn tình thế cho các doanh nghiệp. Chỉ có cách các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác cùng nguyên liệu (giống Trung Quốc) mới mong thoát khỏi sự thua lỗ, thậm chí phá sản.

WTO quy định, nếu các nước có nền kinh tế “phi thị trường” trong vòng 5, 7 năm, nếu muốn đề nghị công nhận “nền kinh tế thị trường” sớm, phải đề nghị đàm phán lại. Có nghĩa là thời hạn 12 năm nói trên có thể “gia giảm”. Nhưng vấn đề cốt lõi là tuỳ thái độ của chúng ta.

Theo trình bày ở trên là hiện nay, tư tưởng bao cấp ở nước ta vẫn còn nặng nền. Muốn thoát ra được, phải có một chương trình cải cách hệ thống mạnh mẽ, dứt khoát. Cơ quan quản lý phải thoát ra khỏi tình trạng “làm thay” các tổng công ty, DNNN. Phải tạo nên tính độc lập, bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp, nghĩa là thực thi trọn vẹn những cam kết vào WTO, chúng ta mới là thành viên chững chạc, có vị trí bình đẳng trong cộng đồng WTO./.

Trung Quốc

http://www.dddn.com.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Hoinhap-QT/Kho_vi_nen_kinh_te_phi_thi_truong/

Theo các điều kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đồng ý được xem là “nền kinh tế phi thị trường” cho đến năm 2016.

Posted in Economic, Overview, WTO | Leave a Comment »

WTO – “Nền kinh tế phi thị trường”: Rào cản bất công

Posted by BEAR trên Tháng Mười Hai 25, 2007

27 DN cá tra, basa thoát khỏi vụ kiện của Mỹ

http://www.fetp.edu.vn/global/index.cfm?rframe=detail_show.asp&newsid=74 

Scott Cheshier- Nguyễn Thanh Nga*
Tia Sáng, 17 thng 01 năm 2007
 
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (DSM) sẽ không tạo ra một cơ hội cho Việt Nam để bác lại các phán quyết chống bán phá giá mang tính phân biệt đối xử cho đến khi Việt Nam không còn bị coi là nền kinh tế phi thị trường. Chừng nào quy chế nền kinh tế phi thị trường chưa được dỡ bỏ, Việt Nam sẽ vẫn dễ phải chịu những cáo buộc tùy tiện về chống bán phá giá.
 

Là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội giao thương với các nước trên thế giới trên cơ sở hàng rào thuế quan và phi thuế quan thấp. Tuy nhiên, mở rộng thương mại trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp ở những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đã liên tục phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá. Nếu từ giữa năm 1994 đến 2000 có 4 vụ kiện thì từ năm 2000 đến nay đã có 20 vụ. Các vụ kiện quan trọng đều liên quan đến Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần bị kết luận bán phá giá với mức thuế chống bán phá giá cao. Vụ kiện với Hoa Kỳ về cá tra, cá basa và tôm đã làm hàng nghìn hộ nông dân nuôi trồng bị mắc nợ và nhiều hộ bị tái nghèo. Vụ kiện giày mũi da với EU khiến cho hàng trăm lao động mất việc làm và tác động đến đời sống của gần một triệu lao động cho ngành giày da, mà 80% trong số họ là phụ nữ.

Lý do dẫn đến những phán quyết không công bằng cho Việt Nam là do Việt Nam bị EU, Hoa Kỳ và một số nước khác áp đặt quy chế nền kinh tế phi thị trường. Theo đàm phán song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam đã phải chấp nhận là nền kinh tế phi thị trường trong vòng tối đa 12 năm sau khi gia nhập WTO. Sự áp đặt này hết sức phi lý vì nó không dựa trên sự phân tích những thành tựu cải cách của Việt Nam mà chỉ là một sự “mặc cả chính trị”. Hoa Kỳ lo ngại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể ở thị trường của họ giống như hàng xuất khẩu Trung Quốc. Quy chế nền kinh tế phi thị trường tạo thuận lợi để các doanh nghiệp của họ dễ dàng thắng các vụ kiện về bán phá giá và áp đặt thuế chống bán giá cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù đi ngược lại với quy định của WTO “đối xử không phân biệt vô điều kiện và ngay lập tức” cho tất cả các thành viên của WTO và vi phạm quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN) của WTO đối với ngành dệt may Việt Nam, chính quyền Bush đã đề xuất việc thiết lập một chương trình giám sát chống bán phá giá hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ để có được sự ủng hộ của hai Thượng nghị sỹ Elizabeth Dole và Lindsey Graham cho việc ban quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Chính quyền Bush nêu rõ ràng cơ chế giám sát này sẽ sử dụng phương pháp đánh giá áp dụng cho nền kinh tế phi thị trường. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc chính quyền Bush, thay mặt cho hai ngành sản xuất này, khởi kiện và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam bất cứ lúc nào họ muốn.

WTO buộc các nước phải cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan chính vì vậy các biện pháp bảo hộ như thuế chống bán phá giá trở nên thường xuyên được áp dụng. Trước năm 1995 khi WTO chính thức thành lập, số vụ kiện chống bán phá giá chỉ khoảng 100 nhưng từ năm 1996 số vụ khởi kiện hàng năm lên đến 300 vụ một năm.

Sự bất bình đẳng này sâu sắc hơn nhiều đối với các nền kinh tế chuyển đổi, bị ép buộc vào quy chế kinh tế phi thị trường. Luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ và EU quy định việc áp dụng phương pháp nền kinh tế thị trường thay thế cho các nền kinh tế phi thị trường để đánh giá việc bán phá giá và do đó mức thuế chống bán phá giá. Phương pháp này không sử dụng chi phí sản xuất và giá trong nước của nền kinh tế phi thị trường để tính giá bán của sản phẩm tại thị trường nước này mà sử dụng giá và chi phí của một nền kinh tế thị trường được chọn lựa làm thay thế. Kết quả là giá bán các sản phẩm tại thị trường trong nước của các nền kinh tế phi thị trường thường bị đánh giá cao hơn nhiều so với giá thực tế và do đó dẫn đến kết luận bán phá giá và thuế chống bán phá giá cao.

Những nền kinh tế thị trường được chọn làm thay thế thường có nền kinh tế phát triển cao hơn so với các nước chuyển đổi. Ví dụ, năm 2004, GNI trên đầu người của Việt Nam tính theo ngang bằng sức mua (PPP) là 2.700 USD nhưng của Mexico, nước thay thế cho Việt Nam trong vụ kiện bán phá giá xe đạp là 9.640 USD và của Brazil, trong vụ giày dép vào thị trường châu Âu là 7.940 USD.

Đa số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cạnh tranh chủ yếu trên cơ sở chi phí nhân công rẻ. Khi chọn một nước kinh tế phát triển cao hơn, chắc chắn chi phí nhân công của họ sẽ cao hơn nhiều so với các nhà sản xuất của Việt Nam. EU cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nên không có một thị trường lao động tự do và vì thế không coi chi phí nhân công thấp đúng là lợi thế so sánh của Việt Nam. Chính vì vậy khi chọn nước thay thế, EU không hề để ý đến sự khác biệt về chi phí lao động. Điều đáng nói là khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nhận định Việt Nam đã có thị trường lao động tư do tương đối phát triển.

Phi lý ở một cách khác, DOC đã áp đặt chi phí lao động cho Việt Nam bằng giá trị hồi quy mức lương và thu nhập quốc dân của nhiều nền kinh tế thị trường, trong đó bao gồm cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Anh và Canada. Bằng việc áp đặt mức lương 0,63 USD/giờ cho những người nông dân nuôi trồng cá tra và basa và 0,70 USD/giờ cho nuôi trồng tôm trong khi thù lao thực tế của họ hàng tháng chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng (32,3 USD) đã đẩy chí phí sản xuất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao hơn nhiều so với thực tế.

Sự chênh lệch về trình độ kinh tế luôn đi kèm với chênh lệch về trình độ công nghệ sản xuất và khả năng tự túc về nguyên liệu dẫn đến sự cạnh tranh trên những phân đoạn thị trường xuất khẩu có giá trị khác nhau. Trong vụ kiện, giày da xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh trên phân đoạn giá trung bình và thấp đã bị so sánh với giày da xuất khẩu của Brazil và giày sản xuất nội địa của EU cạnh tranh trên phân đoạn giá xa xỉ và giá cao. Thậm chí ngay cả khi hai nước có nền kinh tế khá tương đồng xét trên khía cạnh GNI trên đầu người (PPP) thì sự khác biệt về phương thức và điều kiện sản xuất cũng dẫn đến sự chênh lệch về chi phí sản xuất. Bangladesh, nước được chọn thay thế cho Việt Nam trong vụ cá sa, batra và tôm, không có điều kiện tự nhiên thuận lợi như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và nghề nuôi trồng và chế biến thủy hải sản phát triển như của Việt Nam nên chi phí sản xuất cao hơn.

Phương pháp nền kinh tế phi thị trường lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1967 đối với việc gia nhập GATT của Ba Lan. Những luật lệ về chống bán phá giá của khá nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và EU có quy định riêng cách áp dụng phương pháp này và các tiêu chuẩn để đánh giá nền kinh tế hoặc ngành hoặc công ty vận hành theo thị trường. Tuy nhiên, ngay cả những nền kinh tế thị trường được coi là phát triển nhất cũng không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU và Hoa Kỳ do vẫn duy trì thương mại nhà nước, kiểm soát giá đối với các mặt hàng trọng yếu, hoặc đồng nội tệ không hoàn toàn có khả năng chuyển đổi hoặc không hoàn toàn có sự tự do tuyển dụng và sa thải nhân công.

Quyết định về nền kinh tế phi thị trường mang nhiều tính chính trị hơn là dựa trên những đánh giá kinh tế. Hoa Kỳ và EU giữ quyền thay đổi quyết định của họ khi họ cảm thấy cần thiết. Họ không cần quan tâm đến sự thực là khi các nền kinh tế chuyển đổi này gia nhập WTO, họ đã phải chứng minh được với các thành viên của WTO về thành tựu cải cách theo hướng thị trường của mình. Giống như Trung Quốc, là thành viên của WTO, Việt Nam vẫn tiếp tục bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm.

Vậy DSM của WTO có thể thay đổi được phán quyết không công bằng cho Việt Nam trong các vụ bán phá giá do quy chế nền kinh tế phi thị trường gây ra không? Đáng tiếc, câu trả lời là không.

Vậy Việt Nam cần phải làm gì khi mà quy chế nền kinh tế phi thị trường sẽ tiếp tục 12 năm nữa và DSM trong WTO không thể giúp?
Việc đào tạo được một đội ngũ luật sư tốt chuyên về các vụ kiện chống bán phá giá là tối ưu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, Bộ Thương mại và và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần biết rõ về những công ty luật trong và ngoài nước tốt nhất trong lĩnh vực này. Đồng thời, cũng cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để đào tạo và cung cấp kiến thức cho các doanh nghiệp về các luật thuế chống bán phá giá quốc gia, nhất là của Hoa Kỳ và EU, và thể thức để doanh nghiệp có thể theo kiện. Một hệ thống cảnh báo sớm cũng cần được xây dựng dựa vào mạng lưới các tùy viên thương mại và các cơ quan nghiên cứu thị trường. Nhà nước cũng cần chú ý xây dựng một cơ chế hỗ trợ khẩn cấp cho những nạn nhân là người lao động trong các ngành bị áp đặt thuế chống bán phá giá.

Là thành viên của WTO, Việt Nam sẽ phải đối phó với sự gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá. Chắc chắn, phán quyết sẽ không có lợi cho Việt Nam và mức thuế chống bán phá giá được áp đặt có thể cao phi lý do quy chế nền kinh tế phi thị trường. DSM của WTO có ít khả năng mạng lại được công bằng cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có thể có được những nỗ lực để giảm nhẹ sự bất công bằng và tác động của nó.

*Chuyên gia kinh tế UNDP
 

Posted in Economic, Export, USA, WTO | 1 Comment »