Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Archive for the ‘FDI’ Category

Ðầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN giảm 70%

Posted by BEAR trên Tháng Ba 25, 2009

FDI vào Việt Nam giảm 70%

Báo Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chạy tin nói rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong quý một năm nay dự tính giảm 70 phần trăm.

Trong ba tháng đầu 2009 Việt Nam chỉ thu được 2,1 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Số tiền cam kết cho các dự án đã khởi động dự tính sẽ đạt 6 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, thấp hơn so với năm ngoái tới 40%.

Trong các năm qua tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào ba nguồn vốn chính.

  • Đó là đầu tư nước ngoài,
  • kiều hối, và
  • xuất khẩu.

Kinh tế gia dự tính cả ba chỉ số này sẽ giảm nhiều trong năm nay do kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái.

Năm ngoái Việt Nam nhận được 11,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Thủ tướng Việt Nam có lần nói ông hy vọng Việt Nam sẽ lập lại con số này trong năm nay.

Vốn cam kết FDI bao giờ cũng lớn hơn nhiều so với số tiền thực sự bỏ vào dự án hàng năm.

Tháng Chín năm ngoái Cơ quan Mậu dịch và Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNTAD) xếp Việt Nam vị trí thứ sáu trong nhóm nước có độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài, FDI, hàng đầu thế giới.

Tháng Hai năm nay, ông Phạm Hữu Thắng Cục trưởng Cục đầu tư của Bộ KH và ĐT Việt Nam được báo chí trích lời nói rằng cam kết FDI của Việt Nam trong năm nay có thể giảm xuống còn 20 tỷ USD.

Mức này bằng một phần ba so với 64 tỷ USD Việt Nam nhận được trong năm ngoái.

Suy thoái kinh tế, buôn lậu từ bên kia biên giới tăng vọt

Báo chí trong nước loan tin do tình hình khủng hoảng kinh tế, hàng hóa Trung Cộng, Thái Lan không thể nhập cảng vào Âu châu hay Hoa Kỳ, sẽ tìm mọi cách tiêu thụ vào thị trường Việt Nam thông qua con đường buôn lậu. Cảnh báo này được đưa ra tại hội nghị thi hành công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2009 tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội.

Báo cáo của nhà nước Cộng sản Việt Nam cho rằng trong năm 2008, hai điểm nóng là xuất lậu than và khoáng sản sang Trung Cộng và xuất lậu xăng dầu ở các tỉnh phía Nam sang Cam Bốt và Thái Lan. Tuy nhiên việc nhập lậu hàng tiêu dùng nhất là từ Trung Cộng vào nội địa vẫn còn rất nhiều như thuốc lá, rượu, bia, vải, đồ may mặc, gia cầm, sữa, mỹ phẩm. Đặc biệt, thời gian qua nổi cộm hiện tượng nhập cảng hàng giả, hàng nhái từ Trung Cộng và một số nước xung quanh như phân bón, gas, tân dược, hàng may mặc. Tình hình sẽ còn tệ hại hơn trong năm nay, vì hàng từ Trung Cộng, Thái Lan nhất là hàng điện tử thông dụng do khủng hoảng kinh tế, bị thu hẹp ở thị trường quốc tế nên sẽ tìm mọi cách tiêu thụ hàng tồn vào thị trường Việt Nam. Các tay buôn lậu sẽ tập trung vào các mặt hàng có lợi nhuận lớn như thuốc lá, rượu, đồ điện tử dân dụng, vải, mỹ phẩm, dược phẩm, sắt thép, gỗ được đưa qua biên giới đất liền. Còn các vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang sẽ là địa bàn xuất lậu các mặt hàng như quặng, khoáng sản, than, gỗ, động vật hoang dã bán sang các nước nói trên.

Công an Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra lo ngại về tình trạng nhập lậu và buôn bán, tàng trữ pháo từ Trung Cộng. Nguyên nhân khiến tình hình vi phạm về pháo gia tăng mạnh năm qua có lý do từ việc phía Trung Cộng khuyến mãi bằng pháo hoặc bán pháo với giá rất rẻ cho các chủ hàng Việt Nam sang mua hàng. Hội nghị chống buôn lậu luôn tề tựu đầy đủ các lực lượng chức năng từ quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, hải quan đến các sở ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Thế nhưng chính Ban chỉ đạo 127 cũng thú nhận là khả năng chống buôn lậu của nhà nước Cộng sản Việt Nam là chưa cao, nhất là khi phải đấu tranh với các đường dây tổ chức buôn lậu quy mô lớn, xuyên quốc gia. Hội nghị còn thú nhận một số cán bộ địa phương vì tham lam nhận tiền hối lộ nên không chống được nạn buôn lậu, thế nhưng các cán bộ vẫn biện minh rằng lý do chính mà họ thất bại là địa bàn rộng, lực lượng mỏng, kinh phí thấp trong khi các đối tượng buôn lậu ngày càng chuyên nghiệp về tổ chức lẫn phương tiện họat động. Báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương cho biết đối tượng buôn lậu được trang bị máy thông tin, liên lạc không chỉ để điều hành việc vận chuyển hàng hóa mà còn để theo dõi ngược cả lực lượng chức năng. Các địa phương thì cứ đưa ra một luận điệu duy nhất là nhà nước phải cấp thêm tiền, vì có tiền thì mới chống được buôn lậu. Nhà nước thì nói bắt buôn lậu đi sẽ được trích lại 2% để làm tiền thưởng, còn không bắt được hàng lậu thì nhà nước cũng không có tiền đâu mà bù vào.

Đồng bạc VN mất giá thêm 0,9%

Ngân hàng Nhà nước vừa nới rộng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam, VND, với đô la Mỹ, USD, lên 5%.

Trước đây biên độ này này là 3%.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/3.

Trên thị trường giao dịch tiền tệ, tính từ đầu năm đến nay tiền đồng đã bị sụt giá tới 2%.

Hãng tin tài chính Bloomberg trích lời của một chuyên gia tiền tệ tại Singapore nói rằng trong năm nay đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 6 phần trăm

Hãng AP trích lời bà Phạm Chi Lan, kinh tế gia trong nước, nói rằng nới rộng biên độ giao dịch nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, điều chỉnh tỷ giá sẽ hỗ trợ cho công ty Việt Nam tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu,”

“Qua đó giảm bớt sức ép sa thải nhân công. Nhất là các ngành phụ thuộc vào thị trường ngoại quốc như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ và hải sản,” bà Lan cho hãng AP hay.

USD giữ giá

Chuyển sang thị trường ngoại tệ, ngay trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định nới biên độ tỷ giá lên +/-5%, giá USD “chợ đen” chiều ngày 23/3 đã chạm mốc 18.000 VND/USD. Trong ngày hôm qua, giá ngoại tệ này nhanh chóng hạ nhiệt về mức trên dưới 17.850 VND/USD (giá bán ra).

Giá vàng

Dưới tác động của tỷ giá USD/VND tăng mạnh, giá vàng ngày 24/3 đã tái lập mốc 2.000.000 đồng/chỉ. Tại nhiều điểm giao dịch, giá vàng sáng qua còn ngấp nghé mức 2.010.000 đồng/chỉ, cao chưa từng có.

Tuy nhiên, cùng với sự giảm nhiệt của giá USD thị trường tự do, cộng với sự đi xuống của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước không thể trụ được ở mức giá này tới sáng nay. Một lần nữa, thị trường vàng trong nước chứng kiến mức giá 2.000.000 đồng/chỉ trong vòng đúng 1 ngày. Chiều thứ Sáu tuần trước, mốc giá này đã xuất hiện và chỉ duy trì được trong vòng vài giờ.

Xuất siêu không bền?

Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan vừa nhóm họp để đưa ra con số dự báo tình hình xuất, nhập khẩu tháng 3/2009.

Theo đó, xuất khẩu được dự báo đạt khoảng 4,7 tỷ USD, nhập khẩu chỉ ước khoảng 4,3 tỷ USD.

Đây là hiện tượng khá “hiếm”, bởi vì đã rất lâu Việt Nam mới xuất siêu. Tuy nhiên, vấn đề là hiện tượng này có bền vững?

Theo bà Lê Thị Minh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại – Dịch vụ – Giá cả (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân chính dẫn tới xuất siêu của Việt Nam trong tháng Ba này vẫn tiếp tục đến từ tái xuất vàng tăng mạnh, ước tính khoảng trên 800 triệu USD (theo số liệu được công bố, kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý trong tháng 3/2009 đạt khoảng 850 triệu USD).

“Nếu trừ giá trị vàng tái xuất, Việt Nam vẫn nhập siêu trong tháng 3/2009”, bà Thủy nói.

Nếu không kể đá quý, kim loại quý, thì 3 tháng xuất khẩu chỉ đạt 11,2 tỷ USD, giảm 15% hay giảm khoảng 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù việc xuất khẩu vàng khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới là cần thiết, có tác dụng thu ngoại tệ, cải thiện cung – cầu, bù đắp cán cân thanh toán, tăng tính thanh khoản của quốc gia, giảm áp lực tăng tỷ giá VND/USD… nhưng dù sao cũng là tái xuất số vàng đã nhập khẩu trong những năm trước.

Nhập khẩu bị sụt giảm quá mạnh. Tháng 1 giảm 55,2%, tháng 2 giảm 31,7%, tháng 3 ước giảm 49%, tính chung 3 tháng ước giảm 45% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu giảm do cả yếu tố giá, do cả yếu tố lượng, nên kim ngạch giảm mạnh. Giảm mạnh gồm có xăng dầu, hoá chất, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng, phân bón, thuốc trừ sâu, chất dẻo, bông, sợi, nguyên phụ liệu dệt may giày dép, sắt thép, điện tử máy tính…

Sự sụt giảm nhập khẩu cho thấy tình hình sản xuất hàng tiêu thụ trong nước và hàng xuất khẩu vẫn đang đứng trước những khó khăn.

Posted in Economic, FDI | Leave a Comment »

Nhiều dự án bất động sản…bất động

Posted by BEAR trên Tháng Hai 17, 2009

Xây dựng công viên Hòa Bình: Giá đất “vọt” theo quy hoạch

Toàn bộ vạt đất nằm dọc trục đường lớn chạy song song với dự án công viên Hoà Bình thuộc thôn Nhang, thôn Lộc giờ thành “mảnh đất vàng”, phần lớn đã được bán khi chưa có dự án. Nhiều gia đình trước đây trồng hồng xiêm thấy “không bõ” công chăm sóc, tưới tắm nên ngay khi giá đất mới được hâm nóng, đã vội chặt hồng xiêm bán đất, giờ ngồi tiếc thì đã muộn.
Những người nông dân ở Xuân Đỉnh đang đổi đời. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt. Nếu không biết tận dụng những đồng tiền từ đền bù đất, từ lợi nhuận do đất tăng giá… để tổ chức sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp thì rất có thể sự “đổi đời” lại rẽ sang một ngã khác, như đã từng thấy ở một số vùng vừa sáp nhập về thành phố.

Nhiều dự án bất động sản…bất động

Nhiều dự án BĐS ở Hải Phòng được khởi công rầm rộ trong 2 năm gần đây, nhưng không ít dự án “khởi công rồi để đấy”.

Khi chứng kiến một loạt dự án (DA) bất động sản lớn như: khu đô thị Our City, khu đô thị Tinh Thành quốc tế, khu căn hộ cao cấp CozyVill, Trung tâm thương mại Vincom Plaza…được khởi công rầm rộ trong 2 năm gần đây, không ít người dân Hải Phòng băn khoăn: “Chả biết có làm thật hay chỉ đánh trống ghi tên”?

Khởi công rồi để đấy

Dự án khu đô thị Tinh Thành Quốc Tế rộng 30ha ở phường Bắc Sơn, quận Kiến An, do Công ty TNHH đầu tư Khải Đệ làm chủ đầu tư được khởi công ngày 2/9/2008. Đây là một phần trong DA khu đô thị Cựu Viên vốn đã “treo” nhiều nhiều năm nay.

Theo quảng cáo, DA có số vốn 300 triệu USD này là một “thành phố ngôi sao” với 17 cao ốc hiện đại, tiện nghi và “chỉ với số tiền từ 700 triệu đồng trở lên, bạn đã có thể sở hữu một căn hộ lý tưởng”. Trong buổi lễ khởi công hết sức hoành tráng với sự chứng kiến của nhiều quan chức thành phố Hải Phòng, chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ.

Thế nhưng đến bây giờ, “hạng mục” được triển khai nhanh nhất là rao bán căn hộ… trên giấy, còn trong khuôn viên DA, chỉ có duy nhất một chiếc máy ép cọc nằm yên bất động như để lòe” các cơ quan chức năng trong khi công trường vẫn vắng bóng công nhân. Người dân mỗi lần đi qua lại lắc đầu ngao ngán giống như những cái lắc đầu suốt gần chục năm qua khi nhìn cỏ mọc um tùm ở khu “đất vàng” này.

Trước đó, DA khu căn hộ CozyVill tại phường sở dầu quận Hồng Bàng của Công ty GNSVina, khởi công hồi tháng 4/2007, được quảng cáo là “một ngôi làng khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm cúng với đầy đủ những tiện ích văn minh hiện đại”.

Thế nhưng đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, khu đất rộng 22.000m2 ở ngay cửa ngõ thành phố này vẫn chỉ vỏn vẹn có một văn phòng giao dịch, mấy căn hộ mẫu, và một phần móng dở dang.Ngôi làng khỏe mạnh” chưa thấy đâu còn những người đã nộp tiền mua nhà thì có lẽ khó mà “khỏe mạnh” với tiến độ của dự án nên một số khách hàng đã đơn phương rút tiền.

Trong khi đó, một DA lớn khác là khu đô thị OurCity của Công ty TNHP Hiệp Phong (QIAFENG) rộng 43,46 ha cũng… bất động sau ngày khởi công. DA này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2005 với tên gọi ban đầu là Khu đô thị Olympia. Sau khi giải phóng xong mặt bằng, tháng 5/2008, DA này, với tên mới là “Our City”, được khởi công trong sự háo hức của người dân.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào một “khu đô thị hiện đại nhất Hải Phòng” đến nay vẫn chỉ là con số O bởi ngoài những tấm pano quảng cáo đã rách nát vì thời gian thì chưa có bất cứ hạng mục nào được triển khai. Còn DA Trung tâm thương mại Vincom Plaza ở ngay khu đất giữa trung tâm thành phố thì trở thành bãi đỗ xe.

Lỗi tại… thị trường?

Một lý do được nhiều chủ đầu tư đưa ra để giải thích cho việc chậm triển khai DA là…khủng hoảng kinh tế.

Ông Đoàn Minh Quân, trưởng bộ phận truyền thông Công ty TNHH Hiệp Phong nói: “Từ năm ngoái, thị trường BĐS Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng rơi vào tình trạng ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, buộc Công ty phải trì hoãn thời điểm triển khai dự án. Mặt khác, công ty chúng tôi cũng đang điều chỉnh thiết kế kiến trúc của khu đô thị”.

Còn Ông Kim Chul Woo, Phó tổng giám đốc Công ty GNSVina cũng giải thích: kinh tế thế giới khủng hoảng”, “giá cả vật liệu tăng cao” và “chính sách thắt chặt vốn vay ngân hàng” khiến DA gặp khó khăn, chậm tiến độ.

Để được nghe ý kiến của các nhà quản lý, phóng viên báo Công Thương đã hỏi Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hòa Bình và Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thanh Sơn nhưng các vị này đều “không nắm được” và khẳng định lĩnh vực đó không phải do sở mình phụ trách.

Theo một số chuyên gia BĐS thì đúng là những biến động về kinh tế đã làm cho thị trường BĐS cả nước gần như bị đóng băng và các DA gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó không phải là duy nhất và cũng thiếu thuyết phục đối với thị trường BĐS Hải Phòng bởi có rất nhiều DA không triển khai hoặc đã tạm dừng từ rất lâu trước khi xảy ra những biến động kinh tế (Khu căn hộ CozyVill, Khu đô thị Tân Thành, Khu đô thị Cựu Viên, Khu du lịch Hoa Phượng, Khu du lịch sinh thái Quang Minh-Vinashin, Khu đô thị Anh Dũng 1…).

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do chính sách thu hút đầu tư bằng mọi giá, đặc biệt là chủ trương khuyến khích các dự án BĐS trong những năm gần đây của thành phố Hải Phòng.

Năm 2008, Hải Phòng thu hút 1,44 tỷ USD vốn FDI trong đó 2/3 đổ vào BĐS. Đến nay Hải Phòng có 383 DA đầu tư phát triển nhà ở, với quy mô sử dụng đất là 2.500 ha trong đó nhiều nhất là các dự án phát triển đô thị (181DA) với diện tích hơn 1.655ha và hàng chục dự án khu du lịch.

Thế nhưng hầu hết các DA này triển khai rất ì ạch, đến nay hoặc vẫn là đất trống hoặc dở hang do sức mua rất chậm như: Các DA khu nhà ở Anh Dũng, Khu đô thị Ngã Năm-sân bay Cát Bi, Khu nhà ở PG An Đồng…

Được biết những khu đô thị ở phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) chỉ có giá 3 -5 triệu đồng/m2 mà vẫn ế ẩm. Trong bối cảnh như vậy mà vẫn có thêm nhiều dự án BĐS tiếp tục được chấp thuận dẫn đến tình trạng “treo” như đã nêu là điều đáng ngạc nhiên.

Hiện tượng này chỉ có thể có thể lý giải rằng; hoặc nhà đầu tư đánh giá sai nhu cầu thị trường, hoặc năng lực có vấn đề (thiếu vốn) hoặc thậm chí là nhà đầu tư chỉ đầu cơ, tranh thủ giá đất rẻ để “trải chiếu, chiếm chỗ” để tìm đối tác bán lại dẫn đến tình trạng dự án “treo”, khiến nông dân bị mất đất sản xuất, bộ mặt đô thị trở thành nham nhở và người dân thì suy giảm lòng tin vào chính quyền.

Theo Mạnh Cường
Báo Thương Mại

Đề xuất dừng, hoãn một số dự án Hà Nội mở rộng

Hà Nội đang có dấu hiệu bị mất cân đối trong các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn và các lĩnh vực đầu tư.

Tổ công tác của UBND thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả rà soát bước đầu các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, với tỉ lệ 1/2000 và 1/500.

Lệch nhiều bề!

Kết quả rà soát 501 đồ án và dự án cho thấy, số lượng các đồ án quy hoạch, các dự án được cấp chủ trương, phê duyệt, cấp phép đầu tư khá lớn với tốc độ khá nhanh chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt trong nửa đầu năm 2008

Tiến độ cấp phép dự án nhanh nhưng việc phân bố triển khai dự án đầu tư xây dựng lại mất cân đối. Có quá nhiều các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản so với các lĩnh vực khác.

Cụ thể, 51% trong tổng số 501 đồ án quy hoạch chi tiết và 376 dự án đã được giao chủ đầu tư tập trung vào bất động sản, chiếm 51,7% về tổng diện tích mặt bằng.

Ph
ần lớn các đồ án, dự án tập trung vào các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường và giá đất thấp (như 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình trước khi sáp nhập).

Số các đồ án quy hoạch, dự án được phê duyệt, cấp phép đầu tư khá nhiều nhưng tốc độ, quy mô triển khai, giải ngân lại chậm. Số dự án có mặt bằng rất ít. Một số dự án đã có mặt bằng sạch nhưng tốc độ xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác rất chậm. mặt bằng bị bỏ trống gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, theo kết quả rà soát, trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng hiện nay, mặc dù các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được phân bố trên tất cả 29 quận, huyện và thị xã, nhưng sự phân bố về số lượng, quy mô sử dụng đất của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, lĩnh vực đầu tư… trên các đơn vị hành chính có sự lệch nhau khá lớn.

Điển hình như Hoàn Kiếm – một quận tại trung tâm thành phố – nhưng chỉ có một đồ án quy hoạch đầu tư, với quy mô sử dụng đất chỉ 0,32ha. Trong khi đó, có những huyện như Quốc Oai lại có tới 103 đồ án, dự án đầu tư, với quy mô sử dụng đất tới gần 10 nghìn ha.

Hoặc, cùng là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng cũng có sự khác biệt lớn về tình hình phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư. Chẳng hạn, tại huyện Ứng Hòa chỉ có 4 đồ án, dự án, trong khi con số này tại Quốc Oai là 103, Hoài Đức là 85.

Đề xuất dừng, hoãn một số dự án

Theo tổ công tác, do tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời điểm nghiên cứu, phê duyệt đồ án, dự án, nên đã bước đầu bộc lộ sự không hợp lý giữa nhịp độ quy hoạch, nhịp độ đầu tư với tốc độ, tình hình phát triển kinh tế – xã hội và quy luật cung – cầu của thị trường.

Sự không hợp lý còn rõ nét hơn trong tình hình trầm lắng của thị trường bất động sản, do kinh tế trong nước và quốc tế đang có nhiều biến động bất lợi.

Mặt khác, phần lớn các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư sử dụng đất canh tác nông nghiệp làm mặt bằng, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Điều này đã tác động trái chiều đối với người dân về các mặt kinh tế xã hội cũng như việc xác định các phương án xử lý bền vững, hiệu quả, bước đầu đã tiềm ẩn các vấn đề bất ổn về an ninh nông thôn và tam nông.

Đặc biệt, sự bất ổn ấy càng rõ nét hơn ở những dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất trồng lúa với diện tích lớn tại những vùng còn khó khăn về phát triển kinh tế xã hội, chưa có phương án tạo việc làm mới thay thế một cách khả thi và thuyết phục.

Để đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là đất nông nghiệp một cách tiết kiệm, phù hợp với quy luật cung – cầu của thị trường, sử dụng vốn an toàn, hiệu quả, tránh tình trạng quá dư thừa nhà ở trong tương lai, tổ công tác đã đề xuất cần phải dừng, hoãn, giảm, giãn tiến độ và chuyển công năng của một số dự án bất động sản chưa cần thiết phải đầu tư sớm.

Cũng theo quan điểm của tổ công tác, trước mắt sẽ ưu tiên rà soát các đồ án, dự án đầu tư cho khu vực thành phố trung tâm, các đô thị đối trọng và một số thị trấn, thị tứ. Tổ cũng kiến nghị xác định nhanh danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong tháng 4/2009.

* Theo thống kê chưa đầy đủ, quy mô diện tích cũng như quy mô dân số của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu đa năng có nhà ở với tiến độ đầu tư trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2020 là khá lớn, khoảng 41.319ha, với dự kiến hơn 2 triệu người sẽ sinh sống tại các khu vực này.

Dấu ấn làng “tư sản” giữa lòng Hà Nội

Những ngôi nhà cổ bề thế, kiến trúc Á đông pha lẫn phong cách Pháp đầu thế kỷ XX; những ngọn “hải đăng” đặc biệt, giúp thuyền bè buôn bán trên sông ghé bến… Đến Cự Đà, khách không khỏi ngỡ ngàng về sự trù phú, thịnh vượng của làng quê xưa.

Những ngôi nhà mái ngói đỏ nằm xen kẽ như một bức tranh.

Hàng “mộc” dần mai một

Ngày nay, Cự Đà còn nổi tiếng với nghề làm tương, làm miến tiêu thụ khắp miền Bắc. Với những giá trị vật thể, phi vật thể đặc sắc, Cự Đà vẫn đang là “hàng mộc”, được nhiều DN du lịch tìm hiểu để xây dựng tour cho khách.

Tuy nhiên, khi theo chân một đoàn lữ hành mới đây về Cự Đà khảo sát, ấn tượng của hầu hết mọi người trong đoàn là bầu không khí ngột ngạt vì ô nhiễm. Đường đất ghập ghềnh và xóc, bụi. Dọc hai bờ sông Nhuệ đầy rác.

Đại diện của Công ty Du lịch Greentour thì nhận xét, người dân Cự Đà lại chưa có ý thức giữ gìn nên không chỉ làm lãng phí tài nguyên vật thể (những ngôi nhà cổ dần mai một, hoang tàn), mà còn bỏ quên các giá trị văn hoá phi vật thể.

Đó là những câu chuyện xa xưa truyền miệng về làng, về các doanh nhân… hay những câu chuyện dân gian có thể in thành sách để phục vụ khách có nhu cầu tìm hiểu.

Được biết, chỉ nay mai, toàn bộ hơn 100ha đất canh tác của Cự Đà sẽ phải nhường cho khu đô thị, khu công nghiệp. Quỹ đất của làng sẽ bị thu hẹp dần. Có tiền bồi thường, người dân có thể phá nhà cũ, dựng nhà mới. Sự hiện đại đặt bên cạnh sự cổ kính, nếu không có quy hoạch kiến trúc phù hợp, sẽ làm kệch cỡm nơi vốn được coi là khu phố thu nhỏ của Hà Nội.

Posted in Economic, FDI | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

FDI – Con số thực hiện và con số đăng ký

Posted by BEAR trên Tháng Mười Hai 11, 2008

http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5523/index.aspx

Đến tháng 11/2008 con số đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã lên đến 61 tỉ USD. Theo dự báo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) thì con số này có thể lên đến 65 tỉ USD cho cả năm 2008. Tuy nhiên, dự báo FDI năm 2009 lại chỉ 30 tỉ USD, chưa bằng một nửa năm 2008.

Điều gì đang xảy ra? Phải chăng dự báo kinh tế thế giới sẽ khó khăn? Hay sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam sẽ giảm sút? Hay chúng ta sẽ từ chối các dự án đầu tư?

Trước tiên, cần thấy việc sử dụng các khái niệm của chúng ta khác với thế giới. Trong khi các con số FDI được nói đến nhiều nhất ở Việt Nam là con số đăng ký, kế đến là con số thực hiện. Còn trên thế giới lại dùng con số giải ngân.

Con số thứ nhất là tổng vốn FDI đăng ký theo giấy phép, bao gồm vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Vốn tự có gồm vốn nước ngoài và vốn góp của đối tác liên doanh trong nước. Vốn vay ngân hàng cũng gồm vay ngân hàng nước ngoài và vay ngân hàng trong nước.

Con số thứ hai là số vốn đã thực hiện theo báo cáo, trong đó bao gồm cả vốn nước ngoài và vốn trong nước. Hai con số đăng ký và thực hiện được tổng hợp bởi Bộ KH-ĐT.

Con số thứ ba là FDI giải ngân. Đây mới là dòng vốn thực sự đầu tư từ nước ngoài vào và thể hiện trên cán cân thanh toán quốc tế, không bao gồm số vốn của đối tác trong nước hay ngân hàng trong nước. Con số này do Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và báo cáo.

Để thấy rõ sự khác biệt trong việc sử dụng các con số này, có thể lấy một so sánh: Năm 2005 chúng ta công bố FDI vào Việt Nam là 6,8 tỷ USD, thực hiện được 3,3 tỷ USD. Nhưng thống kê trong khối ASEAN chỉ ghi nhận FDI vào Việt Nam là 2,36 tỷ USD. Ba con số khác nhau, cũng là ba cách nhìn nhận khác nhau về FDI.

(Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài)

Thống kê năm 2005 của khối ASEAN cho thấy, Việt Nam chiếm 15% tổng dân số của 10 nước ASEAN nhưng chỉ chiếm 4,5% tổng dòng vốn FDI (tất nhiên, đó là con số giải ngân, không phải con số đăng ký như chúng ta thường tính).

Tất cả đều thích con số cao

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, khoảng cách giữa con số đăng ký thực hiện ngày càng giãn xa.

Tương tự, đó là khoảng cách giữa con số thực hiện và con số giải ngân. Tỷ trọng vốn nội địa ngày càng nhiều, với nhiều dự án FDI dựa vào vốn góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và vốn vay ngân hàng trong nước.

Rõ ràng số vốn góp trong nước và vay trong nước không phải là vốn nước ngoài, nhưng vẫn được tính gộp vào.

Việc tính gộp này có thể dễ hiểu. Từ phía các cơ quan quản lý, các cơ quan xúc tiến đầu tư, và chính quyền các địa phương, con số cao cũng nghĩa là thành tích cao, niềm tự hào cao về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Càng dễ hiểu hơn về phía nhà đầu tư. Các dự án đầu tư bất động sản càng có số vốn cao càng dễ được cấp diện tích đất lớn hơn. Khi mà giá bất động sản ở Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, thì diện tích đất giao cho nhà đầu tư trở thành một loại “quyền chọn” hấp dẫn. Nếu giá bất động sản lên cao, nhà đầu tư thực hiện. Nếu giá thấp hoặc không huy động được vốn, nhà đầu tư chấp nhận bị thu hồi đất, nhưng cũng không mất chi phí gì.

Khi việc huy động vốn trong nước và thế giới gặp khó khăn, chủ đầu tư các dự án lớn cũng dễ dàng xin gia hạn triển khai dự án. Kết quả là đất đai vẫn bị găm giữ.

Vì vậy, dễ thấy sự tăng đột biến của các dự án bất động sản. Nếu tính liên quan đến bất động sản là các dự án khách sạn, khu đô thị, văn phòng và căn hộ, thì chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2008, các dự án loại này đã đạt vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD. Để so sánh, trong suốt giai đoạn từ 1998 đến 2007 cũng chỉ có gần 19 tỷ USD đăng ký vào nhóm đầu tư này. Riêng cho nhóm này, vốn đầu tư (đăng ký) trong 10 tháng đã cao hơn cả giai đoạn 10 năm trước!

Đầu tư vào công nghiệp chế biến giảm

(Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài)

Vốn FDI đăng ký vào các dự án liên quan đến bất động sản, các dự án công nghiệp nặng (thép, dầu khí) liên tục tăng cao. Đây đều là các dự án thâm dụng vốn, nghĩa là khả năng tạo việc làm không nhiều.

Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào các dự án chế biến sử dụng nhiều lao động (công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm, nông lâm ngư nghiệp) lại giảm.

Phải chăng sức hấp dẫn của lao động Việt Nam đã giảm? Hay phải nhìn theo hướng khác: sức hấp dẫn của bất động sản và công nghiệp nặng đã tăng lên?

Dù sao thì con số FDI đăng ký vẫn chỉ là để đăng ký, không có nhiều ý nghĩa trong việc hoạch định chính sách. Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, các dự án càng “khổng lồ” càng khó tiếp cận nguồn vốn và càng dễ bị trì hoãn.

  • Bùi Văn

Posted in FDI | Leave a Comment »

Phủi trách nhiệm với người lao động

Posted by BEAR trên Tháng Mười Một 15, 2008

Lao Động số 265 Ngày 15/11/2008 Cập nhật: 9:00 PM, 14/11/2008
Một vụ tranh chấp lao động ngừng việc ở DN có vốn Hàn Quốc, CN đòi nâng lương.
(LĐ) – Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trương Lâm Danh, từ 1.1 đến 31.10.2008, TPHCM  xảy ra 198 vụ tranh chấp ngừng việc (DN nhà nước 2 vụ; DN dân doanh 52 vụ; DN FDI 136 vụ). Trong số 136 vụ ngừng việc tại khu vực DN FDI, Hàn Quốc đứng “đầu bảng” với 65 vụ.

Tiếp theo là Đài Loan 34 vụ, Nhật Bản 22 vụ, số ít còn lại là Mỹ, Pháp, Philippines, Úc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

Lương CN quá thấp

Phân tích về nội dung tranh chấp, luật gia Trần Hồng Sơn – chuyên viên Ban Thi đua chính sách (TĐCS) LĐLĐ TPHCM – cho biết, khoảng 85% số vụ ngừng việc liên quan đến tiền lương, như: CN đòi tăng lương, nâng lương, điều chỉnh lương, tăng đơn giá tiền lương, DN không công khai mức lương, nợ lương, chậm trả lương, cắt giảm phụ cấp khi nâng lương

Ông Sơn nhận định: Mức lương hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu tối thiểu của NLĐ. Đã thế, mức lạm phát lại cao hơn mức tăng  lương, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu đối với NLĐ (như gạo, rau, thịt…) lại tăng cao hơn nhiều so với mức lạm phát chung, khiến NLĐ càng lâm cảnh túng quẫn. Vì thế, họ luôn trong tâm trạng bức xúc vì phải làm việc cật lực mà cuộc sống vẫn khó khăn, nên chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ là bùng phát đấu tranh.

Theo Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TPHCM Nguyễn Đăng Tiến, việc DN trốn đóng BHXH cũng chính là chiếm đoạt tiền lương của NLĐ, bởi lẽ: Khi trích tiền lương của NLĐ mà không nộp cho cơ quan BHXH là DN đã có hành vi chiếm đoạt tiền lương. Đến lúc NLĐ nghỉ ốm đau, thai sản, hưu trí, không được cơ quan BHXH trả lương.

Ông Tiến khẳng định đây là nguồn tiền lương gián tiếp, hay còn gọi là “lương dự trữ” khi NLĐ gặp rủi ro hoặc hưu trí. Ông Tiến cho biết thêm: Tính đến cuối tháng 10.2008, toàn TPHCM có 525 DN Hàn Quốc được cấp phép, nhưng chỉ có 254 DN (48,38%) tham gia BHXH, trong đó có 87 doanh nghiệp nợ BHXH lên tới gần 42 tỉ đồng!

Trong số này, điển hình là Cty TNHH Kwang Nam nợ gần 7 tỉ đồng, Cty  Anjin nợ 6,5 tỉ đồng, Cty Nobland VN nợ 2,8 tỉ đồng, Cty Lucky nợ 2,1 tỉ đồng, Cty H.World Vina shoes nợ gần 1 tỉ đồng,  Cty Vina Haeng Woon Industri nợ gần 2 tỉ đồng, Cty Gaeun Vina nợ gần 2 tỉ đồng… Và, mới đây toàn bộ CN Cty TNHH Mido (Hàn Quốc) đã ngừng việc 3 ngày liền để phản đối chủ DN trốn đóng 900 triệu đồng BHXH, vì đó là “tiền lương dự trữ” của họ.

Lãi tư bản quá lớn

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương: Vì lương thấp, buộc NLĐ phải tăng ca triền miên để có thêm thu nhập bù đắp những khoản thiếu hụt trong cuộc sống, nên có cơ hội là họ tự phát ngừng việc để đòi nâng lương.

Vì lương thấp, lại phải tăng ca quá mức, NLĐ không có điều kiện (cả về kinh tế lẫn thời gian) để thực hiện bữa ăn gia đình, nên họ vẫn xem bữa ăn giữa ca là bữa ăn chính, và là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu để tái tạo sức lao động, do đó thường ngừng việc đòi cải thiện chất lượng bữa ăn.

Vì lương thấp, NLĐ không có tích lũy, nên thường ngừng việc đấu tranh đòi tăng tiền thưởng cuối năm, hoặc đấu tranh mỗi khi DN xét nâng lương. Vì lương thấp, NLĐ cũng không gắn bó với DN, họ rất dễ bỏ việc khi có DN khác (gần đó) tuyển lao động với mức lương cao hơn dù chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/tháng… Điều này làm cho các DN thường xuyên biến động về lao động, quan hệ lao động không gắn kết, khiến tranh chấp diễn ra thường xuyên hơn…

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù lương CNLĐ Việt Nam rất thấp, nhưng lãi tư bản lại rất lớn do lợi ích kiếm được từ công lao động rẻ mạt. Đơn cử: Công lao động tối thiểu ở Hàn Quốc từ 3,5USD đến  4USD mỗi giờ. Như vậy, với 8 giờ/ngày và 26 công/tháng, lương tối thiểu của NLĐ phổ thông ở Hàn Quốc khoảng trên 800USD/tháng, trong khi họ trả cho NLĐ Việt Nam chỉ khoảng 60USD/tháng, nếu cộng cả tiền tăng ca và phụ trội ngoài giờ cũng chỉ khoảng 100USD/tháng. Ví dụ khác, một đôi giày thể thao mũ da có thương hiệu sản xuất tại Việt Nam, giá xuất xưởng khoảng từ 8,2USD đến 10USD/đôi, nhưng được bán sỉ vào EU khoảng 63USD/đôi (gấp 7 lần).

Mặc dù lãi tư bản quá cao, nhưng qua hoạt động thực tiễn của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy: Không hề có việc chuyển giao công nghệ; hầu hết DN không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội với NLĐ; tình trạng vi phạm pháp luật là khá phổ biến; và không ít chủ DN sẵn sàng quỵt lương và BHXH của NLĐ rồi bỏ trốn!

Việt Nam – Đình công và những khó khăn của người lao động


Hà Tĩnh: Tiền hỗ trợ nhân đạo bị chi vô tội vạ

Tiền “kêu” thiếu nhưng lại chi không hết!

Thực tế nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động của Hội trong những năm qua còn hết sức khiêm tốn so với tổng số 68.000 người tàn tật và 6.064 trẻ mồ côi trên địa bàn, nhất là đối với một tỉnh nghèo và thường xuyên bị ảnh hưởng nặng thiên tai.

Thế nhưng thật bất ngờ theo kết quả Báo cáo của cơ quan Thanh tra Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh số: 06 BC/ĐTT ngày 05/6/2008 thì số kinh phí được cấp trên trong vòng hơn 3 năm qua Hội vẫn chưa sử dụng hết.

Và chi vô tội vạ

Và chi vô tội vạ

Trong khi kêu thiếu tiền nhưng những năm qua Hội Bảo trợ NTT&TEMC Hà Tĩnh lại chi vô tội vạ công quỹ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nguồn chi sai đầu tiên phải kể đến đó là tháng 1/2005 Hội này đã cho Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh vay 120 triệu đồng và sau đấy chi thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản 27,66 triệu đồng.

Khoản chi sai nguyên tắc tiếp theo đó là, tháng 12/2005 bà Lê Thị Hà (thời điểm đó là cán bộ phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh, kiêm làm việc tại Hội Bảo trợ NTT&TEMC Hà Tĩnh) đã chi tạm ứng với số tiền 33,1 triệu đồng, trong đó có chứng từ 8 triệu mua điện thoại di động cho ông Lê Nhung, Chủ tịch Hội dù ông này lúc đó đã có ĐTDĐ.

Tuy nhiên, việc chi sai nguyên tắc nghiêm trọng nhất của Hội Bảo trợ NTT&TEMC Hà Tĩnh đó là tháng 12/2005 Hội này cho công đoàn Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh “vay” 57 triệu đồng để làm sân cầu lông phục vụ vui chơi, giải trí.

Vô lý hơn, Hội còn xâm tiêu 66,707 triệu từ nguồn kinh phí xổ số trên chi vào các hoạt động riêng cho bộ máy trong lúc đó các khoản này hàng năm Hội đã tỉnh, ngành cấp ngân sách đầy đủ.

Thờ ơ trong việc xử lý sai phạm!

Từ những sai phạm nói trên, cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu Hội Bảo trợ NTT&TEMC Hà Tĩnh và Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh thu hồi nộp lại ngân sách nhà nước trước ngày 31/7/2008 số tiền chi sai mục đích 210,183 triệu đồng.

Ngoài ra, văn bản này cũng yêu cầu Hội và Sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những cá nhân và kiện toàn lại tổ chức Hội. Tuy nhiên, những yêu cầu nói trên hiện vẫn chưa được thực hiện!

TPHCM: Đỉnh triều gây ngập 99 tuyến đường

Châu Âu chính thức bị suy thoái

Posted in Economic, FDI, Labour | Leave a Comment »