Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Archive for the ‘Past’ Category

Thi sĩ Hữu Loan qua đời ở Thanh Hóa, hưởng thọ 95 tuổi -Hữu Loan: “Nhân văn-Giai phẩm” và những chuyện ngày ấy…

Posted by BEAR trên Tháng Ba 19, 2010

Thi sĩ Hữu Loan qua đời ở Thanh Hóa, hưởng thọ 95 tuổi

RFA 18.03.2010

Vào 7 giờ 00 tối hôm qua, thi sĩ Hữu Loan đã qua đời tại tư gia ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hưởng thọ 95 tuổi.

Photo courtesy of talawas

Nhà thơ Hữu Loan và vợ tại nhà riêng ở Thanh Hoá năm 2008.

Hữu Loan, “Tự phỏng vấn

Hữu Loan, “Phê bình ‘Thơ chiến sĩ’ của Hồ Khải Đại”

Hữu Loan (viết chung với Hoàng Cầm và Trần Duy), “Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị – Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân”, Nhân văn số 2

Hữu Loan, “Lộn sòng”, truyện ngắn, Giai phẩm mùa Đông 1956, tập I

Hồ Bất Khuất, “Gặp trưởng lão làng thơ Việt

Hoàng Văn Chí “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” (phần viết về Hữu Loan)

Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai!

Hữu Loan: Tự phỏng vấn

Đôi nét vê Hữu Loan:

Ông tên là Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì … Tên chợ là Ông già Vườn Lồi (Phù Viên Lỗi).

Sinh năm Bính Thìn (1916), tại thôn Vân Hoàn, Nga Sơn, Thanh Hóa.

Từ 1936 đến 1942 làm cách mạng trong phong trào học sinh và nhà trường.

Từ 1943 đến 1945 về đi cày và đánh cá, làm Việt Minh và làm khởi nghĩa huyện nhà.Cùng năm làm Ủy ban Lâm thời tỉnh phụ trách 4 ty Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính.

Chán lại về đi cày và đánh cá nuôi bố mẹ già.

Từ nửa năm 1946 đến 1951, làm chủ bút báo Chiến sĩ Quân khu IV ở Huế. Gặp Nguyễn Sơn, ủng hộ đường lối ưu tiên với văn nghệ sĩ. Khi Nguyễn Sơn bị đình chỉ công tác, trả cho Trung Quốc, đường lối Nguyễn Sơn bị Lê Chưởng và Hoàng Minh Thi phản đối, Hữu Loan đề nghị giữ Phạm Duy ở lại không được, lại về đi cày cho đến 1954 tiếp quản thủ đô lại ra làm biên tập cho báo Văn nghệ, vào làm hội viên Hội Nhà văn.

Sau tham gia Nhân văn rồi bỏ về quê đi cày, đi thồ, từ 1958.

Phỏng vấn

Phóng viên: Từ mấy chục năm nay trong dân gian và trong văn học thường hay nói đến “Nhân văn-Giai phẩm”, đến “vụ án Nhân văn-Giai phẩm” như là một chuyện gì ghê gớm lắm mà những người đã tham gia vụ ấy là những tên đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo không thể dung tha được, những bọn cặn bã xấu xa nhất của xã hội ta. Nhưng trong thực tế thì thơ, nhạc của họ đều được nhân dân truyền tụng ngầm rồi đến công khai, cấm cũng không xong, càng ngày càng lan tràn.

Ngay cả đến nhà nước lại cũng đã tuyên bố phục hồi cho họ, in lại thơ, lại nhạc. Như thế là trước kia không phải họ sai mà nhà nước sai hay sao ? Nếu nhà nước sai thì làm gì còn có “vụ án Nhân văn” ? Có sai mới có án, mà đã không thì cái gọi là “vụ án Nhân văn” là một vụ oan. Nhưng mới gần đây vẫn có người trịnh trọng tuyên bố “vụ Nhân văn” là một vụ án. Chúng tôi là những người cầm bút chuyên môn mà vẫn thấy mâu thuẫn khó hiểu, huống hồ người dân thì lâu nay chỉ được thông tin một chiều… Họ thắc mắc hỏi chúng tôi, chúng tôi rất lúng túng không giải thích nổi.

Vậy thì thưa ông Hữu Loan, ông đã là người trong cuộc, xin ông giảng lại cho: Thế nào là “Nhân văn”? Thế nào là “Vụ án Nhân văn”?

Hữu Loan: Tất cả mọi cái này, tôi đã có ý kiến đầy đủ trong bản kiểm điểm của tôi ở trại chỉnh huấn Nhân văn. Các anh nên đến qua Công an Hà Nội tìm đọc thì hơn.

Phóng viên: Bác ngại sao?

Hữu Loan: Cũng ngại chứ!

Phóng viên: Vì sao vậy?

Hữu Loan: Vì tuổi tác cũng có.

Nhất là vì mới đây thấy hưởng ứng lời kêu gọi tự do báo chí, Nguyên Ngọc chỉ cho đăng số bài của các nơi gửi về mà đã bị kết tội là sai phạm lệch lạc nghiêm trọng hơn nhiều, rồi hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, để kiểm điểm, để bàn cách đối phó. Nhưng dù sao, khắp nơi các báo chí đều dám lên tiếng ủng hộ Nguyên Ngọc.

Còn hồi tôi về thì không một người bạn nào dám đến đưa chân ngay ở nhà chứ đừng nói ra ga, mặc dù có những bạn tôi đã đấu tranh cho được vào biên chế, được vào Hội Nhà văn mà mới cách đây vài năm đi công tác qua nhà tôi cũng vẫn còn sợ liên quan không dám vào. Họ đều đổ cho là tại chế độ, tại tình hình. Nhưng nếu chế độ là chế độ thì người cũng phải là người chứ. Cái gì cũng có giới hạn của nó.

Đấy là bè bạn, là người ngoài.

Ruột thịt đối với tôi còn tàn nhẫn hơn nhiều. Những năm 1943, 1944, 1945, Nhật đánh Pháp ở ta dữ dội, trường tư tôi dạy phải đóng cửa, tôi về quê vừa làm ruộng, đánh cá để nuôi bố mẹ và để hoạt động Việt Minh bí mật. Mấy năm ấy đói to. Bố mẹ tôi vẫn phải nhịn cháo rau cho cán bộ Việt Minh bí mật về ăn. Những người cùng ở ban khởi nghĩa với tôi làm to cả, gia đình nào bố mẹ cũng sung sướng, nguyên tôi lại về.

Mẹ tôi buồn ốm chết. Bố tôi chửi tôi: “Mày làm Việt Minh chặt hết của tao một giặng tre để rào làng, rào giếng. ”

Các cháu trong nhà trong họ không đứa nào không chửi: “Ông về là đúng! Trời làm tội ông. Lúc ông phụ trách 4 ty còn ai nhiều chức hơn ông mà con cháu chả đứa nào được nhờ. Ông cho trong huyện hơn bốn mươi người ra làm giáo viên, con cháu xin thì ông bảo: ‘Chúng mày rồi hẵng.’ Ông chỉ toàn khuyên các cháu đi bộ đội. Nghe ông, bốn đứa xung phong đi, giờ còn có một đứa về ...

Hồi Việt Minh còn đang bí mật, ông đứng ra lãnh gạo, muối, diêm về phát cho dân. Ông phát cho dân trước, đến lượt ông và con cháu ông lần nào cũng hụt, có lần hết sạch. Bây giờ ông coi họ lãnh sữa bột, dầu cải của quốc tế cho trẻ em, họ chia nhau trước, đến lượt trẻ em thì hết. Không ai dại như ông.

Khi ông có tiêu chuẩn xe con, đi các huyện khác thì ông còn đi xe con chứ khi nào về huyện ta ông toàn đi xe đạp, trong khi những người không có tiêu chuẩn xe, họ mượn xe của ông để về vênh váo với làng nước.

Ông bảo ông làm cách mạng, để cho cả làng được đi học. Khi cách mạng thành công thì thằng con ông thi đại học đậu thừa điểm đi nước ngoài họ không cho đi ngay cả trong nước và chúng đã thay vào chỗ con ông một tên Cường không đậu, tên na ná với tên con ông là Cương. ” Có đứa nó như phát điên và nó đã chửi tôi: “Ông là loại ngu nhất. Ông bảo ông mẫu mực, cái mẫu mực ấy đem mà vứt cho nó ăn. Chả đứa nào nó thương ông. Ông tự làm khổ ông lại làm khổ lây đến con cháu …”

Mỗi lần như thế tôi phải đấu dịu với chúng: “Thôi tao van chúng mày, nếu mẫu mực mà lại được ngay ô tô nhà lầu thì chúng tranh chết nhau để làm mẫu mực chứ chả đến phần tao. Ngay ngày 2/9, bên xã mổ thịt bán tự do cho dân về ăn Quốc khánh, tao biết thân phải đến rất sớm mà cũng chả đến phần. Những ông Đảng ủy, Ủy ban v.v… được mua trước, đến mình thì hết phần…”

Phóng viên: Như vậy là bác chán không muốn nói đến chuyện “Nhân văn-Giai phẩm” nữa?

Hữu Loan: Ai mà chả phải chán. Mình đấu tranh cho họ, bênh vực họ, khổ vì họ, họ lại đè mình họ chửi, họ oán. Những kẻ gây tai họa cho họ, họ lại cho là đúng, là gương để cho họ noi theo.

Phóng viên: Xưa nay bác vẫn là người nói thẳng, nói thật, lúc trẻ bác còn dám nói, giờ già rồi không lý nào bác lại sợ, lại hèn?

Hữu Loan: Anh kích tôi đấy phỏng? Tôi là người không bị động bao giờ.

Phóng viên: Cháu không dám hỗn thế đâu, nhưng đây là một vấn đề của lịch sử, trước sau rồi cũng phải đưa ra ánh sáng. Chỉ có bác là người trong cuộc, bác giúp cho bọn cháu thì nó cụ thể hơn, sát hơn, để các cháu có thể hiểu được những cái vô cùng rắc rối của giai đoạn xã hội hiện nay…

Hữu Loan:

Thực ra nếu bên Liên Xô không có Khrushchev lật Stalin, đưa ra phong trào chống sùng bái cá nhân

thì bên Tàu không làm gì Mao Trạch Đông đưa ra chuyện “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”…

bên ta hưởng ứng tức thời bằng phong trào mang tên dịch lại nhãn hiệu Trung Quốc “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.

Tên nôm na của ta là “Chống sùng bái cá nhân”.

Trước đó thì ở ta có hiện tượng rất phổ biến này: Khi gặp nhau, trước bất cứ câu đối đáp nào đều phải có nhóm thành ngữ “ơn Đảng ơn Bác” đứng đầu.

Thí dụ:

“Ơn Đảng ơn Bác, đồng chí có khỏe không ?”

“Dạ, ơn Đảng ơn Bác lâu nay tôi ốm mãi, ơn Đảng ơn Bác tôi mới xuất viện được 2 hôm nay.”

“Ơn Đảng ơn Bác thế mà em không hay biết gì…”

Sau hàng tháng phát động đấu tranh kiểm điểm ở từng cơ quan để bỏ chữ Bác đi và thay thế bằng: “Ơn Đảng ơn Chính phủ”:

“Ơn Đảng ơn Chính phủ vụ mùa này thu hoạch có đủ nộp không ?”

“Ơn Đảng ơn Chính phủ nhà em có con lợn mới độ 30 ký đang lớn, thanh niên cờ đỏ vào bắt nợ rồi, được bao nhiêu thóc đong hết sạch mà còn thiếu phải bù bằng lợn…”

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc liên tiếp bị đô hộ, hết Tàu đến Tây, đến Nhật, đến Mỹ… Cái khao khát, cái đói cố hữu của dân tộc này là đói độc lập, tự do, cơm áo. Khi thấy Đảng hứa đem lại những thứ ấy cho thì người dân tin tuyệt đối vào Đảng. Đảng bảo gì họ theo nấy, bảo phá nhà thì phá nhà, bảo bỏ ruộng thì bỏ ruộng, bảo bỏ bố bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ Trời bỏ Phật, bỏ được tất, còn dễ hơn từ bỏ đôi dép rách.

Anh đội trưởng cải cách chỉ là một sứ giả của Đảng mà dân cũng đã tin hơn trời: “Nhất đội nhì trời”. Lòng dân tin vào Đảng không thước nào đo được, nên khi phát động để phủ nhận một điều gì Đảng đã chủ trương trước kia, thật là vô cùng khó khăn.

Nguyên chỉ để thay đổi câu “Ơn Bác ơn Đảng” và kiểm điểm những việc làm trước kia có tính chất sùng bái cá nhân mà cũng mất hàng tháng phát động ở mọi cơ quan.

Khẩu hiệu là “Nói thẳng, nói thật, nói hết để xây dựng Đảng!”

Không những nói mồm mà còn viết lên các báo. Không những viết lên các báo nhà nước mà còn khuyến khích mở báo tư nhân để viết.

Vì thế mới có Nhân văn, Giai phẩm của chúng tôi. Và Trăm hoa của Nguyễn Bính. Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo Trăm hoa.

Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là Trăm hoa số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa” , 22 anh em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp báo Nhân dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo Văn nghệ không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh, mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính, Bính đến xin ngày bài “Hoa lúa” về đăng Trăm hoa. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem đến trả cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng Văn nghệ chỉ được 7 đồng. Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra) nhưng Hữu Loan đi cải cách chị cũng cần tiêu (15đ bằng 150.000đ bây giờ). Một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đ.

Nói ra điều này để thấy rằng mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của cả một quyển sách hiện nay không bằng tiền của một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi.

Nhà thơ Tố Hữu đã có dự báo thiên tài: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng!Từ ấy đến giờ xuống dốc tuồn tuột không phanh, không thắng… Chính sự xuống cấp thảm hại trong đời sống đã là nguyên nhân chính trong việc lưu manh hóa một số nhà văn, họ đã phải uốn cong ngòi bút, cũng như trong việc in sách đen sách trắng vừa rồi.

Phóng viên: Xin bác cho biết lại về vụ “Nhân văn”.

Hữu Loan:
“Nói thẳng nói thật, nói hết, để xây dựng Đảng”.

Không những chỉ có Nhân văn hay Trăm hoa mới nói thật, mà cả nước nói thật. Cả nước kêu oan.

Những “Ban Giải oan” đã thành lập để vào trong các nhà tù giải oan cho hàng vạn người bị cải cách quy oan…. Nhưng đã ăn thua gì. Đơn từ kêu oan từ các nơi gửi về tòa soạn Nhân văn thật đã cao bằng đầu, như “đống xương vô định”. Nhân văn đã xếp thành văn kiện chuyển cho Trung ương Đảng nghiên cứu để thay đổi chính sách. Thật ra Nhân văn chỉ khái quát tình hình để đúc thành lý luận. Bài báo bị cho là phản động, phản Đảng, phản dân nhất của Nhân văn là bài “Vấn đề pháp trị” do Nguyễn Hữu Đang viết .

Trong bài ý nói: sở dĩ chỗ nào cũng có áp bức chà đạp lên con người là vì chưa có pháp luật rõ ràng. Tòa án là một tòa án tha hồ tùy tiện còn hơn Tôn giáo Pháp đình của giáo hội La Mã hồi Trung Cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử… Bài báo kêu gọi cần phải phân quyền thì người dân mới có bình đẳng trước pháp luật… Sau hơn ba mươi năm do tình trạng pháp luật tùy tiện mà xã hội xuống cấp một cách tệ hại như hiện nay. Vấn đề hàng đầu đang đặt ra để giải quyết cũng là mấy vấn đề pháp trị mà Nguyễn Hữu Đang đã đặt ra cách đây hơn 30 năm (mà phải nói đây là vấn đề sống còn của chế độ). Không có một cộng đồng nào mà thành viên nào cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh, không người nào biết phải biết trái, mà sống nổi lâu dài. Nhân loại sinh ra để hợp tác với nhau, để tin nhau là chính, mới sống được đến giờ.

Ngày xưa, ngay hồi Pháp thuộc cả một vùng lớn như một huyện mới có độ 5 – 6 tên trộm mà trộm không được pháp luật bênh như thế, mà dân cũng còn lo ngay ngáy cho số phận trâu bò của cải của mình. Còn bây giờ thì chỉ một thôn thôi cũng có hàng vài chục tên trộm cướp công khai, coi thường pháp luật thì hỏi người dân còn an cư thế nào để lạc nghiệp được?

Một vấn đề nữa Nhân văn đặt ra là “Vấn đề Trần Dần” đăng trong Nhân văn số 1, có chân dung Trần Dần to tướng với một vết dao lam cứa cổ to tướng do danh họa Nguyễn Sáng vẽ Từ trước ai cũng một lòng tin Đảng, cả trong lĩnh vực văn học.

Tự Liên Xô đưa về rồi tự Diên An đưa sang, tài liệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, tức là con đường đi lên trong văn học nghệ thuật. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến cái xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có chứ không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt.

Rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau để ăn cắp, nhưng văn học không được nói thực mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng.

Luận điệu thuộc lòng là: Không có ăn cắp mới lạ, có ăn cắp là tất nhiên.

Đấy là thứ sốt rét vỡ da của nhân vật khổng lồ, của một chế độ khổng lồ! Cũng thành khổng lồ thật nhưng lại là khổng lồ đi xuống, một thứ quỷ khổng lồ hay một thứ khổng lồ không tim như đã dự báo trong một truyện ngắn ở Nhân văn.

[6] Đường lối đó ở ta đã được ông Trường Chinh tiếp thu và bảo vệ, và truyền giáo như một thánh tông đồ xuất sắc.

Một người nhà báo hỏi ông: “Như vậy là Cách mạng đã cấm tự do ngôn luận.” Ông Trương Chinh sửng sốt: “Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.”

Như thế là đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa đã cấm hẳn hiện thực phê phán là thứ vũ khí sắc bén nhất của báo chí để cải tạo kịp thời xã hội.

Lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa này được học tập ráo riết trong quân đội, trung tâm đào tạo những tông đồ để áp dụng và đi phổ thuyết về “con đường đi lên” là Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ do ông Nguyễn Chí Thanh làm Tổng cục trưởng và ông Tố Hữu làm Tổng cục phó.

Trong số văn nghệ sĩ phản đối đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa có Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Tử Phác… Có lẽ quyết liệt nhất là Trần Dần, nên Trần Dần bị bắt giam và trong nhà giam Trần Dần đã dùng dao lam cắt ven cổ nhưng chỉ toác da, chưa đứt đến ven thì đã kịp thời chặn lại. Vì thế mà có bài “Vấn đề Trần Dần” trong Nhân văn số 1 như đã nói trên.

Đây là một vấn đề văn học, hoàn toàn văn học. Đây là một cử chỉ khí tiết của nho sĩ Việt Nam trước cường quyền không bao giờ là không có, dù cường quyền có thiên la địa võng đến đâu thì cái truyền thống đáng tự hào ấy, cái hồn thiêng của sông núi ấy không tà khí nào làm mờ nổi. Trần Dần chỉ là hậu thân của những người đã viết “Vạn ngôn thư”, “Thất trảm sớ”…

Cũng như vấn đề pháp trị của Nguyễn Hữu Đang, vấn đề văn học mà Trần Dần đòi xét lại cách đây hơn 30 năm hiện giờ vẫn đang rất là thời sự.

Cái tai họa lớn nhất hiện giờ vẫn là do khuyến khích tô hồng, đề cao người giả, việc giả, hàng giả…

Những người thấy trước tai họa, chân tình muốn ngăn chặn tệ nạn xã hội tô hồng thì bị gán ngay cho cái tội bôi đen. Đáng nhẽ những người như Nguyễn Hữu Đang và Trần Dần phải được một giải thưởng quốc gia, một cái giải vinh quang là đã đưa ra được giải pháp để cứu nguy cho dân tộc. Nhưng trái lại, lại vu oan giá họa, đặt lên đầu họ cái án gọi là “án Nhân văn”.

Thực ra Nhân văn hưởng ứng lời Đảng gọi: “Nói thật, nói thẳng, nói hết để xây dựng Đảng”, và chỉ đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận mong thực hiện tự do bầu cử vào quốc hội, vào chính phủ. Chỉ cần thực hiện thật sự dân chủ nội dung của Hiến pháp là cũng đã lý tưởng rồi.

Hiện nay báo Văn nghệ cũng đang làm cái việc như Nhân văn ngày xưa làm, cũng do được kêu gọi, được giao trách nhiệm Nguyên Ngọc mới dám làm, và báo Văn nghệ cũng đang bị khép tội là mắc những lệch lạc nghiêm trọng.

Có điều khác là: Nhân văn ngày xưa đơn độc, khi bị đánh không ai dám bênh, ngậm cái miệng cúi đầu mà mang án. Còn bây giờ thì hoàn cảnh trong nước và ngoài nước đã khác. Không thể đóng cửa mãi ở trong nhà và ngủ yên được mãi trên những sai lầm vô định. Khi Nguyên Ngọc bị đánh, đã có báo chí khắp nơi lên tiếng, những bản kiến nghị đang tiếp tục gửi về...

Nếu phong trào tự do báo chí, phong trào ủng hộ Nguyên Ngọc và báo Văn nghệ mà bị dập, tức là bọn quan liêu cơ hội thắng thế, kết quả là xúc tiến sự sụp đổ toàn diện, sự tổng khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị và uy tín của Đảng sẽ bị mất hoàn toàn vì bọn chúng. Quần chúng sẽ mất hết tin tưởng vào Đảng.

Từ trước tới giờ: làm sai cũng là bọn cơ hội, kêu gào sửa sai cũng là chúng, rồi đàn áp sửa sai cũng lại là chúng. Khi sai quá rồi không sửa thì dân không chịu nổi phải nổ. Nhưng sửa đến triệt để thì cháy nhà lại ra mặt chuột, nên cứ nửa chừng thì lại đàn áp sửa sai;

chúng vu cho những người đã từng làm theo chúng tội rất nặng, càng nặng thì quần chúng càng dễ quên tội của chúng và cho rằng những rối loạn trước kia là do âm mưu bọn sửa sai gây ra. Chúng bàn nhau mưu kế dựng chuyện theo bài bản, những ông trên không sát cũng phải tin như thật. Chính Nguyễn Hữu Đang đã rơi vào trường hợp như vậy. Đang là người giác ngộ cách mạng sớm. Anh là linh hồn của Hội Truyền bá Quốc ngữ mà cụ Nguyễn Văn Tố là danh nghĩa. Dựa vào Hội Truyền bá quốc ngữ, Nguyễn Hữu Đang đã hoạt động cho mặt trận Văn hóa Cứu quốc. Những nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, đều do Đang tổ chức vào mặt trận. Khi chính phủ vào Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang là trưởng ban tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập, sau làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Khi rút khỏi Hà Nội năm 1952-1953 vào Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Đang là Tổng thanh tra Bình dân học vụ. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, Trung ương cho xe vào Thanh Hóa mời Đang ra, muốn nhận bộ trưởng nào thì nhận, mời sinh hoạt Đảng, anh đều khước từ. Tôi hỏi vì sao, anh bảo: “Nội bộ thiếu dân chủ trầm trọng, mình bây giờ chỉ một mình một Đảng.

Sau hỏi anh làm gì, anh xin về làm nhà in, trình bày cho báo Văn nghệ. Mãi đến gặp phong trào “Trăm hoa”, Đảng phát động cho viết báo tự do, lại cho mở báo riêng thì anh Đang mới ra làm Nhân văn. Anh Đang là một người rất có khả năng về chính trị cả về lý luận lẫn tổ chức, lại là một người rất hay giúp đỡ anh em và rất giữ lời hứa. Để một người có tài có đức như vậy thì bọn cơ hội hết đường xoay xở nên phải đánh. Một mặt phải phát động tố điêu dựng tội (như hồi cải cách dựng địa chủ) để đưa Nguyễn Hữu Đang lên thành phản động đầu sỏ. Một mặt sai điều động từ Thanh Hóa ra, từ các nơi về, hàng 6 sư đoàn để về vây thủ đô đề phòng bọn Nhân văn làm phản (trong khi Nhân văn chỉ mấy thằng đi kháng chiến về, đói rách trói gà không nổi). Việc điều động một lực lượng quân đội lớn như vậy mãi sau tôi về quê gặp những người ở trong các đơn vị ấy nói lại tôi mới biết.

Khi học tập, dựng tội cho Nguyễn Hữu Đang xong, cả lớp học sát khí đằng đằng hò hét nào là tên Đang, nào là thằng Đang phản động đầu sỏ. Mọi người ký vào kiến nghị lên Trung ương Đảng đòi xử tội đích đáng Nguyễn Hữu Đang.

Tôi là người duy nhất đã ký như sau: “Khi Nguyễn Hữu Đang hoạt động với tôi, tôi thấy Nguyễn Hữu Đang là người có tài, có đức, tội trạng mới đây của Nguyễn Hữu Đang tôi chỉ tai nghe, mắt không thấy, tôi không dám kết luận. Ký tên: Hữu Loan”

Thế là Nguyễn Hữu Đang bị kết án 17 năm tù, mới đi được 7 năm thì nhờ đâu có sự can thiệp của Nhân quyền Quốc tế nên anh được tha. Đáng nhẽ không thưởng, không giải oan cho Nguyễn Hữu Đang thì im quách đi cho nó xong, đừng nay gào mai gào “Vụ Nhân văn là một vụ án chính trị!”. Gào như vậy nhưng nếu có ai hỏi đến để tìm hiểu lịch sử thì lại bảo “Đó là vụ án đã qua, bọn Nhân văn đã nhận tội không nên nhắc đến nữa!”. Nếu không nhắc Nhân văn, sao người ta vẫn nhắc đến phát-xít, Hitler, đến Stalin, đến Pol Pot? Thậm chí bọn vua chúa hay Pháp Nhật Mỹ đã đi từ lâu rồi, mà bao nhiêu vụ ăn cắp cũng là do phong kiến đế quốc, bao vụ cưỡng hiếp phụ nữ trong cơ quan cũng là do phong kiến đế quốc, mặc dù những người thực hiện các vụ ấy đều thuần túy xã hội chủ nghĩa gốc Việt. Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông có cấm nói đến mình được mãi không, dù là những bạo chúa, những nhà độc tài cỡ quốc tế?

Ngoài Nguyễn Hữu Đang còn có thêm những người này: Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” [7] : 7 năm tù giam. Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha. Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm như Đang. Nhà nước xuất bản thì lúc nào cũng kêu lỗ, mặc dù in nhiều hơn Minh Đức mà trả quyền tác giả lại rất rẻ mạt. Nhà Minh Đức xuất bản Vũ Trọng Phụng, mời con gái của Phụng lên lĩnh nhuận bút mà còn bỏ tiền về Hà Đông xây mộ cho Vũ Trọng Phụng. Minh Đức định xuất bản Kiều để vào xây mộ cho Nguyễn Du nhưng bị bắt. Ngoài ra từ 1954 đến 1956 Minh Đức còn mua được ½ nhà ưu giá 30.000đ (bằng 150 cây vàng). Nhà Minh Đức làm ăn lời lãi như vậy mà ngoài anh ta ra chỉ có thêm vài người giúp việc. Còn những nhà xuất bản của nhà nước thì nhà nào cũng rất đông người làm mà chả được bao nhiêu việc, nhà nào cũng kêu lỗ, nhưng vẫn cứ cố bao nhiêu rơm cũng ôm.

Xưa nay bất cứ ai nhận một công việc gì đều phải có trách nhiệm với công việc ấy, công việc càng khó khăn, lớn lao trách nhiệm càng nặng nề, ở ta lại toàn chuyện ngược đời.

Một lái xe chặn chết người muốn sửa sai không được, anh phải đi tù, phải tước bằng. Anh bác sĩ chữa bệnh làm chết người cũng thế, phải tước bằng và đi tù. Đấy là những người làm chết ít người.

Còn những người cầm vận mệnh của cả nước đã làm cho đồng bạc mất giá hàng vạn lần, làm cho hầu hết công nông trường xí nghiệp phá sản, cho 90% con cái gia đình thành lưu manh, cho 50% trẻ em mất dinh dưỡng, còn giết oan bao nhiêu người có tài, có đức, còn phá phách bao nhiêu công trình văn hóa lịch sử.

Những con giun bị đạp gào lên: “Sai rồi!” thì họ rất bình tĩnh trả lời: “Sai thì sửa!” hoặc bất đắc dĩ phải sửa thì không sửa chân thành.

Họ vẫn núp dưới cờ Đảng để đi từ sai lầm tày trời này đến sai lầm tày trời khác. Họ đang làm cho dân không còn tin vào Đảng. Họ xúc phạm vào anh linh những đảng viên ưu tú đã nằm xuống. Họ coi thường những đảng viên ưu tú đang sống, đang không ngớt đấu tranh để thể hiện những tính cách vô cùng cao quý của người cộng sản cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khổ trước sướng sau v.v …

Hỡi những người đảng viên quang vinh của Đảng Cộng sản vô cùng quang vinh, người dân đau khổ lâu đời lúc nào cũng đứng bên các bạn.

Lê Phương Nga

14 Tháng hai 2007, giải thưởng nhà nước

TT (Hà Nội) – Ngày 13-2, Bộ VH-TT đã họp báo công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước cho các tác giả có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong số 158 tác giả đoạt giải thưởng nhà nước (60 triệu đồng/giải), có bốn tác giả từng liên quan tới phong trào “Nhân văn – giai phẩm” nửa cuối những năm 1950 được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng riêng:

Hoàng Cầm (Bùi Hoàng Cầm) với các tập thơ Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, 99 tình khúc;

Trần Dần với các tác phẩm Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Người người lớp lớp;

Phùng Quán với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo;

Lê Đạt (Đào Công Đạt) với các tác phẩm Bóng chữ, Ngó lời, Hèn đại nhân.

Posted in Past | Thẻ: | 3 Comments »

Lịch sử: Hội nghị Geneva – cuộc đàm phán của các nước lớn. Đông Dương hay “chiến trường ý thức hệ”?

Posted by BEAR trên Tháng Tám 31, 2009

Một phóng viên của VietNamNet bị bắt

Một nhà báo thường viết mảng chính trị – xã hội của báo điện tử VietNamNet bị công an bắt giữ, nhưng chưa rõ lý do.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập của VietNamNet, xác nhận với hãng tin Đức DPA rằng phóng viên Phạm Đoan Trang bị bắt thứ Sáu tuần trước và hiện vẫn bị tạm giữ.

Một đồng nghiệp và là bạn của cô Đoan Trang cũng xác nhận với BBC tin này.

Đoan Trang là nhà báo viết cho chuyên trang TuanVietNam.net của VietNamNet.

Trong bài viết gần đây hồi tháng Bảy, nhìn lại Hội nghị Geneva 1954, Đoan Trang dẫn các nguồn tư liệu nước ngoài, cho rằng lợi ích của Việt Nam đã bị hy sinh vì “cuộc đàm phán của các nước lớn”.

Tác giả cũng nhìn nhận có sự “phân biệt đối xử” với người Việt đã ra nước ngoài vì hệ quả của chiến tranh.

Nữ phóng viên trẻ này cũng từng viết về tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đây.

Tuy vậy, VietNamNet không cho biết phóng viên Đoan Trang bị công an bắt giữ vì lý do gì.

Hôm thứ Năm tuần rồi, blogger Người Buôn Gió, thường viết các bài chỉ trích chính phủ, đã bị bắt.

Cũng trong tuần, nhà báo và là blogger nổi tiếng Huy Đức rời khỏi báo Sài Gòn Tiếp Thị sau khi tòa soạn “bất đồng quan điểm” với ông quanh bài trên blog về Bức tường Berlin.

Hy sinh lợi ích nước nhỏ

“Tôi chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế. Các bên tham gia đều không liên hệ trực tiếp, và tất cả chúng tôi đều luôn luôn ở trong tình trạng có thể một bên nào đó sẽ sập cửa bỏ về” – cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Eden, chủ tọa các phiên họp tại Hội nghị Geneva 1954, hồi tưởng về một trong những hội nghị lịch sử của thế kỷ 20.

LTS: Không có gì phải bàn cãi, Hiệp định Geneva là thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc. Mặc dù 55 năm đã trôi qua nhiều người vẫn quan tâm muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về trang sử bi hùng này của dân tộc.

Đã có rất nhiều những bài viết, hội thảo về Hiệp định Geneva. Nhiều quan điểm trong các bài viết có thể gây tranh cãi hoặc cần được thảo luận thêm.

Tuy nhiên, việc đăng tải chuyên đề này của Tuần Việt Nam không ngoài mục đích cung cấp cho bạn đọc một số chi tiết lịch sử có thể còn ít người biết, đồng thời, cũng để khẳng định rằng: Chỉ có huy động được tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam, đoàn kết một lòng, chúng ta mới có thể tập trung được sức mạnh của cả dân tộc để tiến lên, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của đất nước.

Ông Eden không nói quá, vì hội nghị mà ông làm Chủ tịch đó thật sự là một hội nghị “ba bè bảy mối”, diễn ra trong một bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp: Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đầu, chiến tranh Triều Tiên – hay là cuộc đụng đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc trên bán đảo này – vừa kết thúc. Thế giới đã thực sự chia thành hai phe, và bản thân mỗi phe cũng không đồng nhất.

Các nhà ngoại giao và chính trị Mỹ được lệnh phải giữ khoảng cách với Trung Quốc, đề phòng một nụ cười cũng có thể bị diễn giải thành một sự thừa nhận chính thức. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles thậm chí còn từ chối bắt tay với Thủ tướng Chu Ân Lai, và giễu cợt rằng họ có thể gặp nhau khi chẳng may đụng xe ngoài đường.

Nhà báo Mỹ Stanley Karnow, người từng có mặt ở miền Nam Việt Nam từ tháng 7/1959, cũng nhận xét rằng “phái đoàn của Việt Nam DCCH tránh gặp các đại diện của Bảo Đại” (tức phái đoàn Quốc gia Việt Nam – TVN), và tỏ thái độ tẩy chay Pháp.

Không khí đó khiến Hội nghị được Stanley Karnow mô tả như “một căn nhà xây bằng các lá bài”, và khiến cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Dulles phải thốt lên rằng ông “chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế”.

Để mô tả sự căng thẳng trong cuộc đàm phán lịch sử này, xin trích lời ông Trần Văn Tuyên – một trong những người từng tham gia Hội nghị, thành viên phái đoàn của chính quyền Bảo Đại: “16h chiều ngày 8/5, Hội nghị chính thức khai mạc. Bầu không khí nặng nề tang tóc vì Điện Biên Phủ vừa thất thủ được 24 giờ. Những phái đoàn các nước tự do lục tục tới, hỗn độn tới. Kẻ đến trước, người đến sau, không có trật tự, không có hàng ngũ, không có thể thức.

Giờ họp đã sắp tới, dãy ghế khu cộng sản vẫn trống, không thấy một bóng người nào. Đúng 4 giờ kém 2 phút, người ta thấy Ngoại trưởng Liên Xô Molotov bước vào phòng họp, sau ông là phái đoàn Nga trịnh trọng nghiêm trang… 4 giờ đúng, Chủ tịch phiên họp là Ngoại trưởng Eden tuyên bố khai mạc”.

Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Nguồn ảnh: n1asphost.com)


Chuyện ăn ở và ý đồ chính trị

Sự căng thẳng đã bắt đầu từ trước khi Hội nghị bắt đầu. Tại Hội nghị Geneva, mỗi nước lớn đều coi trọng từng hành vi ứng xử của mình, xem đó như thông điệp ngầm gửi tới đối phương và công luận.

Điều này thể hiện ngay trong chuyện ăn ở. Trong khi tất cả các đoàn đến dự Hội nghị Geneva đều thuê biệt thự, thì phái đoàn Mỹ lại thuê khách sạn (L’Hôtel du Rhône) và đăng ký ở chỉ một tuần. Hành động của của Ngoại trưởng Foster Dulles tất nhiên không nhằm “chơi trội”, mà nó cho thấy thái độ mà họ muốn thể hiện: không cam kết gì với Hội nghị, sẵn sàng đến và đi bất cứ lúc nào.

Ngược với tâm thế đó của Mỹ, phái đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn, kéo tới Geneva với hơn 200 người, gồm cả đầu bếp riêng. Họ ngụ tại một biệt thự lớn, cực kỳ sang trọng, Grand Mont-Fleuri, và mang theo đến đây cả đèn lồng, thảm, đồ cổ Trung Hoa để trang trí.

Điều gì nằm sau sự lựa chọn xa hoa ấy? Đó là hàm ý: Trung Quốc sẵn sàng ở lại Geneva thật lâu để theo đuổi hội nghị đến cùng. Thêm nữa, dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên những đại diện cho chính quyền Trung Hoa của Mao Trạch Đông xuất hiện tại một hội nghị quốc tế lớn, ngang hàng với tứ cường Mỹ, Nga, Anh, Pháp. (Với tâm cảm của một nước lần đầu ra mắt thế giới, thậm chí phái đoàn Trung Quốc còn mang cả… chuột bạch theo để thử thức ăn. Chuyện này được tài liệu của chính phía Trung Quốc ghi lại).

Anthony Eden cũng xa hoa không kém khi thuê Reposoir, biệt thự thế kỷ 18, nằm trong công viên. Nga thuê một biệt thự khá lớn bên hồ là Village Blange. Trưởng đoàn Pháp Georges Bidault ngụ tại biệt thự Joli-Port, kế bên nơi ở của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đoàn Việt Nam DCCH thuê một villa nhỏ xinh là Le Cèdres.

Nhưng “74 ngày ở gần nhau trong cái thành phố Thụy Sĩ yên ả này không làm cho các nhà ngoại giao phá bỏ được không khí căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau” – Stanley Karnow viết. (*)

Ông Karnow còn chưa đề cập tới khía cạnh ngược lại, đó là sự tin cậy và phụ thuộc quá mức đối với đồng minh, trong một số trường hợp.

Mặc dù là những cuộc họp bàn về vấn đề Đông Dương, nhưng Hội nghị Geneva ban đầu không hề có tên các nước Đông Dương trong thành phần tham dự. Bước vào Hội nghị, nhiều cuộc đàm phán cũng được tách khỏi diễn đàn đa phương,

để rồi một số quyết định được đưa ra trong các cuộc họp kín đó mà không có sự tham gia của bên có số phận liên quan.

>> Kỳ 1: Vai trò của nước lớn trong Hội nghị Geneva

Căng thẳng, đàm phán và thỏa hiệp

4h chiều ngày 8/5/1954, gần một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Geneva khai mạc. Phái đoàn Pháp mặc đồ đen tang tóc. Đoàn Việt Nam DCCH đến dự với tư thế người vừa thắng trận vẻ vang.

Suốt một tháng đầu, Trưởng đoàn Việt Nam DCCH, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cương quyết yêu cầu Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam và để nhân dân Việt Nam tự giải quyết các mâu thuẫn. Phía Pháp từ chối, ông Phạm Văn Đồng không nhượng bộ. Hội nghị sa vào bế tắc.

Ngày 20/6, Thủ tướng mới của Pháp Mendès-France nhậm chức, tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong thời hạn 1 tháng, nếu không nội các sẽ từ chức. Và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã chứng tỏ mình là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của thế kỷ 20 khi ngay lập tức nhận về cho Trung Quốc vai trò đàm phán đại diện cho các nước Đông Dương, nhằm phá vỡ thế bế tắc ở hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh: Freddy Bertrand)

Chu Ân Lai và Mendès-France đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm kín, mà những phát biểu, diễn văn chính thức tại Hội nghị sau đó đều chỉ còn mang tính chất “trình diễn”.

Ngày 23/6, Chu Ân Lai bí mật thu xếp gặp Mendès-France tại ĐSQ Pháp ở Thụy Sĩ. Chu thay bộ quân phục màu xám thường lệ để mặc Âu phục complet. Ông nói với người đồng nhiệm Pháp rằng Trung Quốc muốn trước hết là ngừng bắn ở Đông Dương, sau đó mới bàn đến giải pháp chính trị cho khu vực này. (Đây là luận điểm hoàn toàn khác với mong muốn độc lập cho toàn Việt Nam của cả Việt Nam DCCH lẫn Việt Nam Quốc gia).

Chu Ân Lai tán thành khả năng có “hai nước Việt Nam”, và nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của Trung Quốc là hòa bình trong khu vực, Trung Quốc “không có tham vọng gì hơn và không áp đặt điều kiện nào khác”. Chia cắt Việt Nam chỉ là tạm thời trước khi có hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất hai miền.

Các cuộc đàm phán bắt đầu biến chuyển theo hướng thương lượng để xác định giới tuyến phân cách Việt Nam và thời điểm tiến hành tổng tuyển cử. 3h30 sáng 21/7/1954, Hội nghị Geneva kết thúc với một bản tuyên bố cuối cùng chia cắt Việt Nam tại vùng vĩ tuyến 17, thời hạn tổng tuyển cử là hai năm kể từ ngày ký.

Tối 22/7/1954, Chu Ân Lai tổ chức dạ tiệc chia tay các đoàn. Trong số khách mời có cả Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng lẫn Ngô Đình Luyện, em trai Thủ tướng Ngô Đình Diệm của phía Việt Nam Quốc gia.

Trong bữa tiệc, Chu làm như ngẫu nhiên, đề nghị chính quyền Sài Gòn mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh: “Tất nhiên, về mặt ý thức hệ thì Phạm Văn Đồng gần gũi chúng tôi hơn, nhưng điều đó không loại bỏ việc có đại diện từ miền Nam. Suy cho cùng, chẳng phải tất cả các đồng chí đều là người Việt Nam, và chẳng phải tất cả chúng ta đều là người châu Á hay sao?”.

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Trưởng đoàn Việt Nam DCCH – tại Hội nghị Geneva. (Ảnh: Freddy Bertrand)


Đông Dương hay “chiến trường ý thức hệ”

Hội nghị Geneva 1954 được tổ chức theo quyết nghị giữa Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Hội nghị tứ cường ở Berlin đầu năm 1954. Sau đó Liên Xô đã thuyết phục phương Tây để CHDCND Trung Hoa cũng được tham dự.

5 nước đã họp tại Geneva từ ngày 26/4/1954 để bàn về các vấn đề tranh chấp trên thế giới, trong đó Đông Dương chỉ là một nội dung trong chương trình nghị sự, và các nước nhỏ có quyền lợi liên quan đều không được mời dự.

Ảnh: casahistoria.net

Mãi đến ngày 2/5/1954, Hội nghị mới chấp thuận đề nghị của Liên Xô mời thêm các phe lâm chiến tại Đông Dương (Việt Nam DCCH, Việt Nam Quốc gia, Lào, Campuchia).

  • Như vậy, xuất phát điểm Hội nghị Geneva đã chỉ là cuộc họp của các nước lớn.

Trước đó, cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc của Việt Nam đã bị quốc tế hóa: Từ năm 1950 (tức là ngay sau năm 1949 thành lập nước CHDCND Trung Hoa), quân đội và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô.

Trong khi đó, phía Pháp cũng được Mỹ cung cấp tài chính và vũ khí. Viện trợ từ năm 1950 là 10 triệu USD, đến năm 1954 đã tăng lên trên 2 tỷ USD, chiếm 70% chi tiêu quân sự của Pháp ở Đông Dương.

Nghĩa là chiến trường ở Việt Nam tuy không có sự giao tranh trực tiếp giữa quân Trung Quốc và quân Mỹ như ở bán đảo Triều Tiên, nhưng cuộc chiến cũng đã bị quốc tế hóa. Và hội nghị bàn về nó – Hội nghị Geneva – là nơi các nước lớn gặp nhau để mặc cả và kiếm phần lợi nhất về cho mình.

  • Mỹ đến với Hội nghị Geneva nhằm ngăn cản một giải pháp có lợi cho “phe cộng sản”. Chiến tranh Lạnh đang dâng cao: ở châu Âu, Mỹ chống Liên Xô; ở châu Á, Mỹ phải bằng mọi cách kiềm tỏa Trung Quốc và Việt Nam DCCH.
  • Liên Xô mặc dù đã thuyết phục phương Tây chấp thuận đưa Trung Quốc và các nước nhỏ ở Đông Dương vào bàn đàm phán, nhưng đằng sau tinh thần quốc tế vô sản, Liên Xô cũng mong muốn ngăn cản Mỹ và cả Trung Quốc có ảnh hưởng tại Đông Dương, nhất là không để Mỹ và Trung Quốc biến nơi đây thành căn cứ quân sự.
  • Pháp lúng túng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào phản chiến trong công luận Pháp đang dâng lên. Sau thất thủ tại Điện Biên Phủ, tướng Navarre xin thêm hai sư đoàn viện binh nhưng bị từ chối. Đối với Pháp, Hội nghị Geneva là một diễn đàn đa phương để Pháp tìm cách rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự, tránh phải đàm phán trực tiếp với Việt Nam DCCH.
  • Anh lo duy trì quyền lợi ở Hong Kong và đại lục nên muốn duy trì quan hệ bình thường ở mức độ nào đó với CHDCND Trung Hoa. Tuy nhiên, là đồng minh của Mỹ, Anh cũng lo ngại ảnh hưởng lan rộng của “phe cộng sản” tại châu Á.

Lợi ích quốc gia là trên hết

Cuối cùng là Trung Quốc. Theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, “việc giải quyết vấn đề Đông Dương không phải là mục tiêu duy nhất mà Chu Ân Lai theo đuổi ở Geneva. Trung Quốc còn có hai mục tiêu khác không kém quan trọng”. (**)

Đó là đi tới thiết lập quan hệ với các nước Tây Âu để có một nước CHDCND Trung Hoa được công nhận như một trong các cường quốc thế giới; trấn an và gây ảnh hưởng chính trị đối với các nước châu Á.

Từ góc độ của người Mỹ, nhà báo – sử gia Stanley Karnow cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc là gạt bỏ mọi cớ để Mỹ can thiệp vào Đông Dương và một lần nữa đe dọa Trung Quốc. Vì thế, Chu Ân Lai phải tìm ra một giải pháp giúp Pháp ít nhất là duy trì được một phần chỗ đứng ở Đông Dương, ngăn cản khả năng Mỹ can thiệp ồ ạt vào khu vực.

Những sĩ quan Pháp cuối cùng rời Hà Nội theo Hiệp định đình chiến (một trong các văn kiện của Hội nghị Geneva 1954). (Nguồn ảnh: ttvnol.com)

Để làm như thế, không thể không hy sinh mục tiêu giành độc lập hoàn toàn của Việt Nam DCCH. “Nhưng Chu đã đặt các ưu tiên của Trung Quốc lên trước” – Stanley Karnow nhận định.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc, qua hàng thế kỷ, luôn là chia nhỏ Đông Nam Á để có thể gây ảnh hưởng lên từng nước… Một nước Việt Nam chia cắt sẽ tốt cho Trung Quốc hơn là một quốc gia láng giềng thống nhất”.

Nhìn lại lịch sử, nhiều người có thể có thái độ trách móc khi nghĩ về một nền độc lập, thống nhất bị đổ vỡ; họ cho rằng khả năng thống nhất được hai miền Việt Nam là khả thi nếu không có sự can thiệp của những nước lớn.

Bản thân Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người đã chứng kiến việc Chu Ân Lai mời đại diện chính quyền Sài Gòn tới dự tiệc và gợi ý mở cơ quan ngoại giao tại Bắc Kinh – cũng đã cay đắng nói với một trợ lý về sự “hai mặt” của Chu Ân Lai.

Nhưng suy cho cùng, mỗi nước lớn đều đã đến dự Hội nghị Geneva với toan tính riêng của họ (chỉ có một điểm chung là sự cần thiết phải ngừng bắn ở Đông Dương). “Tất cả đều đã lấy những lợi ích quốc gia của họ làm phương hướng chỉ đạo hoạt động ngoại giao khi đến Hội nghị” – ông Trần Quang Cơ nhận định. “Tính chất và những giới hạn của chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những điều có thể rút ra từ đó”.

Hội nghị Geneva thực chất đã là cuộc đàm phán của các nước lớn, và là nơi chứng minh một sự thật: Nước nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ và luôn đặt lợi ích đó lên hàng đầu khi cần thương thảo. Như Talleyrand đã nói một câu nổi tiếng, các quốc gia không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu.

Kỳ sau: 55 năm Geneva: Hàn gắn giới tuyến trong lòng người

Posted in Past, Question | 2 Comments »

Reading: THỜI CỦA THÁNH THẦN hay MA QUỶ? :(

Posted by BEAR trên Tháng Tám 22, 2009

THỜI CỦA THÁNH THẦNHoàng Minh Tường

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước. Chọn một dòng hay để nước trôi”?

” Chữ Đồng Tử trầm mình lội ngược sông Hồng
Từ thuở Âu Cơ đến giờ vẫn khố
Sóng cuồn cuộn chay tận cùng xứ sở
Máu đỏ bầm chứ đâu phải phù sa?

Chàng Trương Chi cất tiếng hát tháng ba
Mắt đói vàng không nhìn ra bến bãi
Mị Nương tít lầu xanh không ngoái lại

Để tiếng hát hhân dân chìm nổi bọt bèo

Suy diễn và chụp mũ tư tưởng là bản chất tư sản và tiểu nông, Lênin đã từng viết thế trong “Bút ký triết học”. Người lãnh đạo văn nghệ phải có tầm nhìn vượt trên mọi thiên kiến chính trị. Cuộc cách mạng này không chỉ của riêng ai. Không ai được phép độc quyền tình yêu Tổ Quốc.

– Tôi đề nghị một cuộc tranh luận dân chủ.  Hãy học tập tấm gương của Hồ Chủ tịch, dám tự phê bình trước toàn Đảng, toàn dân, dám khóc về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Hãy tranh luận công khai trên báo chí. Chúng ta đang rất cần một môi trường tự do dân chủ. Hãy tổ chức những diễn đàn để toàn dân cùng biết và tham gia. Hãy mổ xẻ và công khai những âm mưu loại bỏ những người kháng chiến không cùng phe cánh, làm tan hoang cả một nông thôn với những giá trị văn hoá truyền thống ngàn đời mà cuộc cải cách ruộng đất chính là sự phản dân tộc tiêu biểu nhất, dã man nhất. Về quê, tôi mới hiểu sức tàn phá khủng khiếp của cuộc cải cách mà các anh đã tiến hành. Con nhổ vào mặt cha. Vợ phản bội lại chồng. Anh em thù ghét lẫn nhau… Một cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn.

Cái chết đau đớn của thầy là do ai? Vì sao cái Hậu nhà mình vĩnh viễn câm điếc và còi cọc như một cụ già? Vì sao các anh đang tâm xử bắn ông Hội Thiện, một đảng viên cộng sán, một Phó Bí thư huyện uỷ? Cuộc cách mạng này nếu không có những địa chủ như thầy, như ông Hội Thiện, như bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên thì làm sao có thể thành công? Cuộc lên đường của toàn dân tộc trong chín năm kháng chiến thần thánh đang là cơ hội chấn hưng nước Việt đã bị chặn đứng vì những mưu toan quyền lực. Anh vừa nói đến Ức Trai, nhưng anh làm sao hiểu được con người vĩ đại ấy. Vụ án Lệ Chi viên là vết đen lớn nhất của lịch sử. Là khúc đại bi thương của nước Việt. Hết cuộc săn thì chim ưng và chó nhà đều bị làm thịt. Cuộc giành giật công lao và quyền lực đã giết chết biết bao người con ưu tú đã từng chung một chiến hào. Tôi xấu hổ, tôi đau đớn vì anh đã góp bàn tay vào cái chết của thầy. Bát cơm phiếu mẫu đấy. Các anh mới là kẻ đái bát. Các anh là những tên đao phủ…

Posted in Book, Feelings, Past | 2 Comments »

Chống tham nhũng (1): “Muốn trừ cái tệ hối lộ phải có dân quyền – PHAN KHÔI”

Posted by BEAR trên Tháng Bảy 9, 2009

VN Phê chuẩn Công ước chống tham nhũng đặc biệt trừ Quy Định Hình Sự Hóa Hành Vi Làm Giàu Bất Hợp Pháp?

Quốc nạn tham nhũng: Công ty Mỹ ‘nhận đã hối lộ quan chức VN’ – VN sẽ lại “ngậm miệng ăn tiền”?

Hệ thống quyền và tiền

Vụ tiền polymer: Tiền “lại quả” ‘10 triệu AUD’ vào tài khoản Thụy Sĩ

PCI và cú “húc” của chiếc sừng tê giác

Scandal hối lộ xuyên quốc gia của Siemens

ODA và cuộc chiến chống tham nhũng – nhìn từ góc độ Nhà nước và thể chế

Tham nhũng ngày càng chuyên môn hóa. Ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng

Dân tự do đói thông tin – Cơ quan công quyền “vin” vào PL bí mật NN bưng bít thông tin để tự do tham nhũng và lạm quyền!?


http://www.viet-studies.info/Phankhoi/PKhoi_MuonTruHoiLo.htm

Muốn trừ cái tệ hối lộ phải có dân quyền

Đông tây số 116, ra ngày 21 Octobre 1931, chúng tôi có bàn về sự nhà nước trừng trị quan lại ăn hối lộ, và kết luận rằng sự trừng trị ấy chỉ bớt được cái tệ hối lộ đi một ít thôi, chứ không trừ hẳn đi được, vì hễ dân còn sợ quan quá thì cái tệ hối lộ cứ còn hoài.

Chúng tôi chỉ nói thế mà không nói đến làm cách nào cho dân hết sợ quan (Sợ đây là nói sợ cái uy thế của quan mà thôi). Độc giả hẳn cho điều đó là điều khuyết điểm của chúng tôi. Nhưng không phải vậy đâu. Bởi chúng tôi thấy nhà nước đã có lo trước đến chỗ đó rồi, nên chúng tôi không cần bày ra cái kế sách nào, hôm nay chỉ cần có đem ra mà cắt nghĩa.

Như bài trước đã nói, dân còn sợ uy quyền thế lực của quan lại, thì trong quan lại, kẻ nào bất lương, cứ ỷ vào chỗ đó mà ép dân, cho nên cái tệ hối lộ không bao giờ trừ được.

  • Nhưng vì cớ gì mà dân sợ quá như vậy?

–>Là vì theo lối chánh trị cũ của ta, dân không có một chút gì trong tay để làm hộ phù, nghĩa là dân không có quyền. Thế thì bây giờ muốn cho dân đủ cậy ở cái lẽ phải của mình mà không đem tiền đút cho quan nữa, còn gì hơn cho dân có cái hộ phù ấy nhiều ít trong tay họ dư? Phải vậy, dân phải có quyền thì mới chừa được cái thói sợ phi lý như những lúc trước.

Độc giả chớ thấy chúng tôi nói tới dân quyền mà lấy làm lạ. Ấy là việc rất tầm thường trong nước ta ngày nay, không đủ lạ gì. Chẳng những chúng tôi nghĩ rằng dân ta ngày nay phải có quyền hoặc nhiều hoặc ít, mà chính nhà nước Bảo hộ cũng phải nghĩ như vậy. Ấy là cuộc lập hiến cho Trung – Bắc kỳ sắp tới đây mà các ngài Đại hiến của Chánh phủ Bảo hộ đã nhiều lần hứa cùng chúng ta bấy lâu đó.

Cuộc lập hiến ấy hồi đầu do một nhà học giả xứ ta xướng ra, dư luận có nhiều lời dị nghi. Đứng về phương diện “học lý” thì lời dị nghị ấy chẳng phải là không có lẽ. Vì hiến pháp nào cũng như tờ giao kèo của hai bên, là vua với dân, hoặc Chánh phủ với dân. Ở nước ta, ngoài vua với dân ra, còn có Chánh phủ Bảo hộ nữa, sợ e rồi vì đó mà cái hiến pháp sẽ mất thăng bằng đi; bởi vậy mới có người đặt tên nó là “hiến pháp tam giác”.

Tuy vậy, cái học lý không hẳn là bao giờ cũng phù hợp với sự thực hành. Nhiều khi sự thực hành đã chiếm hẳn một địa vị nào trong không gian và thời gian, thì cái học lý phải tháo lui để nhường chỗ cho nó.

Gần một năm nay, lời dị nghị ấy phải tiêu trầm cho đến cái thuyết “trực trị” là thuyết tương phản với lập hiến cũng thất bại, bởi sao? Bởi chúng nó đều là “học lý”, trước mặt sự thực hành, chúng nó phải dụt đi!

Hiện nay chúng ta không nên đem những cái học lý nào mà làm cho trong đầu mình mơ hồ vơ vẩn nữa; song hãy ngó chăm sự thực hành sắp tới trước con mắt chúng ta, ấy là cuộc lập hiến đã được hứa.

Quan Toàn quyền, quan Thống sứ, quan Khâm sứ, ít nữa mỗi một ngài đã có nói đến việc này một lần rồi. Cuộc lập hiến cho Trung – Bắc kỳ là việc chắc sẽ có, không còn nghi ngờ gì nữa.

Không nói đến lập hiến thì thôi, không nói đến hiến pháp thì thôi, chứ đã nói đến, thì hai chữ “dân quyền” không còn chạy chối đi đâu được. Vì trong hiến pháp, chẳng nhiều thì ít, dân cũng phải có quyền; nếu dân không có quyền, thì sao gọi là hiến pháp?

Quan Toàn quyền, quan Thống sứ hứa rằng Chánh phủ Bảo hộ sẽ lập cho Trung – Bắc kỳ một cái hiến pháp, ấy là các ngài nhìn nhận rằng dân Trung – Bắc phải có quyền, và sẽ đem cái quyền ấy mà trao cho dân trên giấy trắng mực đen. Thế thì hai chữ “dân quyền” trong đất nước ta từ rày về sau, là do Chánh phủ xướng ra, do Chánh phủ cầm mà trao cho dân, nào có phải ở dưới đất nứt lên đâu mà lấy làm lạ.

Ngày nay chỉ có cái vấn đề là dân Trung – Bắc có biết dùng cái quyền ấy hay không mà thôi. Chúng tôi muốn bàn là bàn về chỗ ấy. Chứ còn, hễ đã có hiến pháp thì ít nhiều cũng phải có dân quyền, sự đó không cần bàn.

Nếu một ngày kia – ngày ấy không lâu – hai xứ Trung – Bắc kỳ có chung một cái hiến pháp, thì cái hiến pháp ấy dầu thế nào, quý hồ trong ấy có định ra ít nhiều quyền lợi cho dân là đủ.

Dân không có quyền xưa nay, mà hốt nhiên ngày nay có quyền, họ sẽ dùng cái quyền ấy thế nào, ấy là sự đáng lo. Chúng tôi rất mong các nhà pháp luật học, các nhà ngôn luận, hết sức tuyên truyền cho đồng bào ta điều đó, hầu cho họ dự bị để làm người dân có quyền trong một vài năm tới đây.

Hôm nay trong bài này, chúng tôi chỉ muốn cắt nghĩa tại sao có dân quyền rồi thì trừ được cái tệ hối lộ.

Theo lối chánh trị cũ của ta, nhất là ở Trung kỳ, quan phủ, quan huyện, hay là quan tỉnh các ngài coi bên chánh mà cũng coi luôn bên hình có quyền xử kiện mà cũng có luôn quyền bắt giam người ta và làm án hay là tha (………)(*). Sự hối lộ sinh ra vì đó, vì quyền quan thì rộng mà dân không chút quyền gì để bảo hộ lấy mình.

Nếu có hiến pháp – tức là cái hiến pháp sẽ lập cho Trung – Bắc kỳ – thì không còn như vậy nữa. Chúng tôi không dám đoán trước những cái điều, mục trong hiến pháp ấy sẽ ra sao, nhưng cứ theo nguyên tắc thì dầu hiến pháp nào cũng phải có những điều dưới này.

Cần nhất là sự phân quyền (séparation des pouvoirs).

Nghĩa là bên chánh với bên hình chia rẽ hẳn ra, bấy giờ một ông quan không có thể vừa bắt người lại vừa xử phạt được; như vậy, ông quan ấy không còn lấy cái gì để doạ dân mà lấy tiền.

Bên dân thì nhờ có pháp luật bảo chướng cho. Theo như hiến pháp các nước thì thế nào cũng phải có điều này: Một người dân, nếu không y theo(**) pháp luật thì không hề khi nào bị bắt, bị giam, bị soát nhà cùng bị những sự thiệt hại khác. Như vậy thì kẻ có máu mặt mà không phạm tội, không còn bị quan bắt ngay để sách tiền.

Dân có quyền, mà quyền ấy bởi hiến pháp ban cho, lại nhờ pháp luật bảo hộ, thì tự nhiên không còn sợ….. như lúc trước và không đem tiền cho quan ăn, sự hối lộ đến ngày ấy sẽ trừ đi được.

Nếu trong mấy năm nữa, khi Trung – Bắc kỳ có hiến pháp rồi, dân có quyền rồi mà cái tệ hối lộ vẫn còn chưa dứt, thì lại là tại dân có quyền mà không biết dùng quyền mình. Bởi vậy chúng tôi mới mong có sự tuyên truyền hầu để ai nấy dọn mình dự bị làm người dân có quyền và biết dùng quyền trong khi nhà nước đã lập hiến.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.127 (28.11.1931)


(*) Chỗ này bản gốc để dấu chấm chấm (…) liền 4 dòng, có lẽ có một đoạn bị bỏ.

(**) Chỗ này ở bản gốc có lẽ có lỗi viết hoặc lỗi in: Lẽ ra phải là “nếu y theo”, tức là “nếu không vi phạm” thì mới đúng với ý của toàn bộ câu này. Còn viết “nếu không y theo” thì nghĩa là “không tuân thủ”, tức là “vi phạm” thì lại sai với ý của toàn câu.


Bình loạn:

Đây là 1 bài học lịch sử, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài này chỉ ra 2 nguyên nhân chính làm cho cuộc chiến chống tham nhũng  ở VN vẫn đang trong tình trạng bế tắc.

– Đó là tại VN, chưa phân quyền rõ ràng, bên hành pháp và tư pháp.

– Đó là tại VN, dân còn sợ quan, vì dân quyền chưa được đảm bảo bởi pháp luật, hoặc người dân có quyền mà chưa biết quyền của mình?

Như vậy có 2 hướng để giải quyết :

– Cải cách pháp luật.

– Giáo dục pháp luật và dân quyền cho công dân.

Nói tóm gọn lại là: Xây dựng nhà nước Pháp trị

Hôm qua, tôi đọc bài Nhà nước pháp trị trong đời sống thường nhật trên tuanvietnam.

Thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Một trong những dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước pháp trị đó là tuân thủ luật pháp và được Nhà nước bảo đảm thực thi bằng Toà án độc lập Luận bàn về câu chuyện này, TuanVietNam xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Sĩ Phương.

Chuyện người, chuyện mình

Ảnh: tailieu.

Gần 8 triệu ngoại kiều trên tổng số hơn 80 triệu dân Đức muốn nhập quốc tịch phải vượt qua kỳ thi trắc nghiệm kiến thức xã hội nước Đức, trong đó có một câu hỏi, nhà nước pháp trị là gì, với 4 câu trả lời sẵn sơ đẳng: 1- Nhà nước có quyền, 2- Đảng có quyền, 3- Công dân quyết định luật pháp và

4- Nhà nước phải tuân thủ pháp luật.

Những ngoại kiều nhìn Nhà nước bằng con mắt của kẻ nô lệ bao giờ cũng trả lời sai, đánh vào câu số 1, trong khi chỉ mỗi câu số 4 đúng – chính là dấu hiệu đặc trưng của một nhà nước pháp trị, đòi bất cứ hoạt động nào của bất kỳ cơ quan nhà Nước nào đều phải viện dẫn chuẩn mực pháp lý của những điều khoản luật pháp điều chỉnh nó; cũng xuất phát từ đó, mọi vấn đề xã hội nảy sinh, họ không thể không mổ xẻ văn bản luật liên quan, để cải cách nó.

Xã hội họ phát triển, hoàn thiện liên tục chính là kết quả tổng hợp từ những cải cách luật thường nhật như vậy; thiếu nó, mọi chủ trương, chính sách dù thần kỳ mấy cũng không thể trở thành hiện thực.

Cách đây mấy tháng, tại Sachsen, một người đàn ông gọi tới số điện khẩn cảnh sát báo sẽ giết vợ, tự sát. Cảnh sát tức tốc tới nơi, không thấy động tĩnh gì, bèn cẩn thận cho xe chạy lòng vòng quan sát, thì phát hiện được đương sự từ xa đang dí khẩu súng vào thái dương chực bóp cò.

Cảnh sát xô đến cản, mũi súng bất ngờ quay phắt lại nhằm cảnh sát nhả đạn chát chúa. Cảnh sát thất kinh, rút súng tự vệ, bắn trả đương sự chết tại chỗ. Khi hoàn hồn, họ mới phát hiện được đó là khẩu súng bắn doạ, trông hệt thật.

Quan chức, chính khách lập tức lên tiếng trước một mạng người bị chết oan uổng. Chỉ cách 2 tháng sau, Quốc hội Đức đã thông qua luật vũ khí sửa đổi, cấm lưu hành súng bắn doạ trông như thật, nhằm tránh lặp lại cho xã hội, khác ở ta giải quyết vụ việc như thế thường chỉ dừng lại nơi nó xảy ra.

Đến vụ chấn động nước Đức hồi tháng Ba, một học sinh ở Winnenden cuồng sát tới 15 nhân mạng; từ Tổng thống, Thủ tướng, đến chính khách các đảng phái đều có mặt tại tang lễ, tất cả lên tiếng, đòi cải cách luật, không dừng lại ở mức chỉ yêu cầu cơ quan thừa hành xem xét trách nhiệm như thường thấy ở ta.

Tới tháng trước, Chính phủ đã hoàn tất dự luật vũ khí cải cách, trình quốc hội; lần này quy định ngặt nghèo từ điều kiện, lứa tuổi được phép, loại, số lượng súng, cách thức lưu giữ, trách nhiệm đăng ký, bảo vệ, chịu giám sát, và án tù cho từng mức vi phạm.

Sang vụ ngân hàng HRE rơi vào nguy cơ phá sản 3 tháng trước, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, chỉ quốc hữu hóa mới có thể cứu vớt được nó, nhưng bị Hiến pháp Đức cấm, buộc Hạ và Thượng viện Đức phải sửa đổi tạm thời điều khoản tương thích trong Hiến pháp, để có thể ban hành được Luật Quốc hữu hoá trong giới hạn cho phép, áp dụng chỉ cho ngân hàng này, với thời hạn hiệu lực đến tháng 10/9.

Liên hệ những thực tế trên sang Quốc hội ta, chỉ riêng thời gian 1 năm 2 kỳ họp, đã thấy bất khả kháng không thể làm luật được như họ.

Xã hội chỉ còn biết trông chờ vào cố gắng của cơ quan hành xử, với bao rủi ro; có thể đo lường qua ví dụ so sánh hiệu quả quyết định của Chính phủ ta trợ cấp tiền tiêu Tết cho hộ nghèo đầu năm, với cùng quyết định tương tự ở Đức, cũng từ đầu năm, cấp cho những hộ sống nhờ trợ cấp xã hội mỗi con nhỏ mỗi năm thêm 100 Euro tiền mua sách vở.

Quyết định của họ là một văn bản lập pháp, do Chính phủ chuẩn bị dự luật, trình Hạ viện thông qua, Thượng viện chuẩn y, Tổng thống ký ban hành; các cơ quan chịu trách nhiệm cấp phát cứ theo luật tự động thực hiện, nếu không sẽ bị chế tài, chẳng cần người dân phải xin, cũng chẳng cần bất cứ văn bản hướng dẫn nào từ trên; trong khi ở ta, chỉ mỗi quyết định của Chính phủ, với cơ chế thực hiện thụ động, trông chờ chỉ thị, mệnh lệnh, dẫn đến cấp sai, chậm, đủ kiểu chia chác… hậu quả phải giải quyết bao lâu sau, mất luôn cả niềm tin trong không ít dân chúng.

Nhà nước thượng tôn pháp luật

Nhà nước tuân thủ luật pháp không chỉ
dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước pháp trị,
mà còn được chính Nhà nước bảo đảm
thực thi bằng công cụ hữu hiệu, đó là
Toà án độc lập.
Ảnh: cancan.

Văn bản luật trong Nhà nước pháp trị bao gồm một hệ thống từ Hiến pháp – văn bản luật bao trùm nhất, đến các văn bản lập pháp ban hành bởi cơ quan dân cử, tới các văn bản lập quy hướng dẫn các cơ quan hành xử thực thi văn bản lập pháp.

Dù đâu ban hành, thì các văn bản pháp lý đó cũng vẫn là sản phẩm chủ quan của những con người được trao danh nghĩa nhà nước. Nhà nước pháp trị vì vậy cũng sẽ chẳng khác bất cứ loại hình Nhà nước nào, nếu văn bản luật đó ban hành và thực thi bất chấp cá nhân người dân bị xâm phạm quyền và lợi ích không thể kháng lại.

Do đó, Nhà nước tuân thủ luật pháp không chỉ dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước pháp trị, mà còn được chính Nhà nước bảo đảm thực thi bằng công cụ hữu hiệu, đó là Toà án độc lập.

Nói cách khác,

mọi cá nhân, pháp nhân, đều có quyền khởi kiện Nhà nước

, khi cho rằng việc ban hành, hay thực thi của cơ quan công quyền hoặc vi hiến hoặc phạm luật, không bảo đảm hay xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của nơi có lợi ích của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

Sẽ không còn là một Nhà nước pháp trị, nếu nguyên tắc bình đẳng đó bị vi phạm, nên nó được luật pháp bảo đảm chắc chắn bằng quy trình pháp lý bắt buộc: mọi quyết định của cơ quan công quyền đối với bất cứ cá nhân, pháp nhân nào, liên quan đến quyền, lợi ích của họ đều bắt buộc phải có mục cuối cùng, chỉ dẫn thủ tục pháp lý chống lại, nếu thiếu sẽ không có hiệu lực; đầu tiên yêu cầu chống tại cơ quan ra quyết định, tiếp theo tại toà án có thẩm quyền; bất kể cơ quan ra và pháp nhân nhận quyết định là ai hoặc cấp nào; có thể hình dung qua thực tế phiên toà xét xử tranh chấp giữa Thượng viện Đức (cơ quan lập pháp Liên bang tập hợp đại diện chính quyền các Tiểu bang) với Cơ quan bảo hiểm hưu trí Đức tiểu bang Berlin-Brandenburg.

Từ năm 2001-2004, Thượng viện Đức thuê 15 người vào làm việc hướng dẫn, phục vụ khách tới Thượng viện thăm giao dịch. Nếu ký hợp đồng lao động làm công, Thượng viện phải trích nộp bảo hiểm xã hội bằng 39,9% tiền lương.

Nếu coi 15 người đó là tự hành nghề (doanh nghiệp 1 người), ký hợp đồng khoán dịch vụ với doanh nghiệp, thì Thượng viện không phải trích nộp bảo hiểm, chỉ phải trả thêm 19% thuế giá trị gia tăng.

Cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, phải cân nhắc thiệt hơn khi chi thu, Thượng viện quyết định chọn phương án 2, để tiết kiệm cho mình khoản tiền chênh lệch bằng 20,9% tiền lương. Cơ quan bảo hiểm khi kiểm tra chế độ trích nộp qũy bảo hiểm của Thượng viện, không chấp nhận, cho rằng 15 người này là lao động làm công, không phải tự hành nghề, ra quyết định đòi truy thu Thượng viện, tổng cộng 15.000 Euro phí bảo hiểm hưu trí.

Thượng viện không chịu, theo đúng luật định, như mọi pháp nhân khác, đệ đơn chống lại, nhưng không được, viện tiếp đến Toà án Xã hội Berlin xét xử. Đầu tháng trước, với án quyết số S 36 KR 2382/07, toà đứng về phiá cơ quan bảo hiểm, phán 15 người đích thực là lao động làm công do Thượng viện bố trí công việc, thời gian, đeo phù hiệu Thượng viện, trả lương theo thang bậc, nên không thể coi họ là tự hành nghề, và nghị án, Thượng viện phải chấp hành quyết định của cơ quan bảo hiểm hưu trí.

Hiện thế giới hiện đại không còn ai bàn cãi về Nhà nước pháp trị, nhưng hệ dẫn của nó,

Nhà nước phải tuân thủ pháp luật, kể cả Thượng viện, một cơ quan lập pháp tối cao trong thể chế lưỡng viện, cũng phải chịu phán quyết của toà, thì không phải ai cũng hiểu,

chừng nào họ vẫn chưa thay đổi được quan niệm coi Nhà nước mới có quyền, kể cả ngoại kiều sống trong xã hội đó nếu không hoà nhập đủ.


Posted in Opinions, Past | Leave a Comment »

THƯ CHA GỬI CON, học tại Liên xô & THƯ CON GỬI CHA

Posted by BEAR trên Tháng Mười 21, 2008

Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai!

http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6555

Hai bài thơ sau như hai bức thư cha con gửi cho nhau được lưu truyền từ lâu trong giới trí thức, học sinh VN ở nước ngoài.

THƯ CHA GỬI CON

Gửi con đang học tại Liên xô

Hôm nay cha viết thư này,
Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi.
Cả nhà mừng lắm con ơi,
Thùng hàng mới nhận, bán lời lắm nghe
Niken đẩy được chục que,
Vòng bi thắng đậm hơn xe rất nhiều,
Điều hòa chẳng được bao nhiêu,
May nhờ trong ruột khá nhiều thuốc tây,
Biết không, mấy cuộn e-may,
Tính qua chí ít năm cây có thừa!
Xô tôn đã dặn đừng mua,
Tại sao mày cứ đóng bừa vào đây.
Thùng sau lưu ý thuốc tây,
Đồ nhôm nghỉ khoẻ chớ dây làm gì.
Lanh-cô, e-rich, am-pi,
Kháng sinh tổng hợp kiểu gì cũng chơi.
Got-den (1) xem kỹ con ơi,
Kẻo mà quá “đát” là đời đi tong!
Hóa chất có xoay được không ?
Cha đây đang có hợp đồng triệu đô
Hải quan con chớ có lo,
Thằng nhỡ cha đã cài kho Hải Phòng.
Còn như ở tuyến hàng không,
Cậu con soi máy khám trong Nội Bài.
Từ nay cho tới tháng Hai,
Chú ba đi Bỉ, dì hai đi Bồ,
Đều tờ-răng-dít Liên Xô
Thông tin giá cả báo cho kịp thời.
Đồng rúp thì mất giá rồi,
Lấy xanh mà tính lãi lời bảo cha,
Cần gì ghi thật rõ ra:
Đồng hồ, áo chấm hay là áo phông,
Áo thêu ở ngực con công,
Hay là xi-líp có bông hồng cài,
Áo da đểu, xuyến treo tai,
Nữ hoàng lộng lẫy con xài tiếp không ?
Bên ấy gái Cộng khá đông,
Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai
Thể thao mác giả Ki-tai,
Hay mì chính Thái với đài Hồng Kông.
Bây giờ đang giữa mùa đông,
Con xem loại tất xù lông thế nào ?
Áo ren các kiểu ra sao,
Ki-mô-nô đã đi vào sử xanh.
Cá sấu một thủa tung hoành,
Te-pe nay đã trở thành thiên thu
Sự đời nghĩ cũng phù du,
Mốt này kiểu nọ tít mù cung mây.
Mới vừa như hổ bướm bay
Bướm vừa rã cánh, hổ quay về rừng.
Hươu kia khí thế bừng bừng
Nay đang ôm hận giữa rừng áo da
Mèo vừa mới ló sang Nga,
Chịu không thấu lạnh, vượt qua Po-lần.
Ào ào áo gió ra quân,
Hỏi xem sống được mấy tuần nữa đây ?
Xét xem thế sự ngày nay
Thị trường biến hóa đổi thay chóng đầu.
Đồ thật thì đắt, tiền đâu!
Mình buôn như thế bằng hầu người ta
Tiền dân Nga, đất dân Nga,
Theo cha đồ rởm vẫn là lời hơn.
Ngoài ra trong chuyện bán buôn,
Thị trường quyết định thiệt hơn rất dầy.
Hàng sang con chớ đổ ngay,
Đợi thời mà bán đến tay người dùng.
Liên bang rộng lớn vô cùng,
Sức trai con cứ vẫy vùng đôi chân.
Dè chừng với lũ công nhân
Tham gia “quân đội” nhân dân rất nhiều.
Ma-fia trấn lột đủ điều,
Quen nghề đạo chích từ nhiều năm naỵ
Ngang nhiên chiếm cứ sân bay,
Cướp hàng từ cửa sân bay vừa về,
Tránh voi thời chẳng xấu gì,
Lĩnh hàng chi chúng vài tì mà ra

Bây giờ kể chuyện bên ta
Tình hình nát bét như là hũ tương
Mấy lần hội nghị Trung Ương
Xem ra cũng chẳng có phương kế gì
Dân tình ca cẩm như ri
Kêu thì kêu vậy làm gì được nhau
Thằng giàu nó vẫn cứ giàu,
Kẻ nghèo vẫn kiếp ngựa trâu tôi đòi.
Bung ra nay đã hết thời,
Sức dân đã kiệt dẫu trời cũng thua
Trong Nam lục tỉnh mất mùa
Sơn la sau một trận mưa tan tành.
Trông vời mấy nước đàn anh,
Liên bang tận số cứu mình chẳng xong.
Cu ba một mớ bòng bong
Nga cúp viện trợ khó lòng đứng yên.
Báu gì ông bạn Triều-tiên
Vốn quen vay nợ quỵt tiền đồng minh.
Mấy nhà lãnh đạo Bắc kinh,
Thế cô đổi giận làm lành với ta
Mối tình hữu nghị Việt-Hoa,
Sau cơn cắt xé dần dà lên hương.
Nhân vì Hoa-Việt thông thương,
Hàng Tàu tràn ngập thị trường nước ta
Dân tình kiếm cớ qua Nga
Mượn danh đi học, thực là đi buôn!
Đào vàng sập cả núi non,
Nghe đâu đã đỡ lại còn khiếp hơn:
Quỳ Châu cùng cốc thâm sơn,
Ai đem hồng ngọc đến chôn xứ này ?
Nhiều thằng số đỏ vận may,
Đã ô-tô Nhật, lại xây nhà lầu,
Khối thằng bỏ xác rừng sâu,
Khối thằng ngã nước trọc đầu như sư!
Ông trời ăn ở khéo ư ?
Người ăn chẳng hết kẻ thừa đổ đi!
Trách trời cũng chẳng được gì,
Có thân ta “tự độ trì” mà thôi.
À, hôm chủ nhật vừa rồi
Mấy anh tổ lái vào chơi nhà mình.
Nghe đồn ở tận Bắc kinh
Năm đô một bịch to uỳnh nhân sâm,
Ở Nga trăm tám mươi đồng
Đem về Hà nội đếm không hết tiền
Bây giờ thời thế đảo điên,
Ông già bà lão phóng tiền ra mua
Năm nay thời tiết trái mùa
Bão to, lụt lớn, chiêm mùa trắng taỵ
Trời thì cao, đất thì dày,
Trung Ương đang hứa chuyển lay tình hình!

Nhân đây kể chuyện nhà mình
Để con được rõ tình hình con nghe:
Thằng hai đánh bạc, gá xe!
Thằng ba thì vẫn rượu chè liên miên
Thằng tư thì mới vượt biên,
Thằng năm tháng trước lại lên Hỏa lò!
Con sáu học dốt như bò,
Thi trượt tốt nghiệp vào lò mat-xa
Khoe rằng lương tháng triệu ba,
Ngoài ra còn khoản puốc-boa rất dày,
Hôm qua khóc với mẹ mày:
Mẹ ơi! Con mấy tháng này. .. mất kinh!
Khách hàng thì rất linh tinh,
Làm sao biết khối duyên tình của ai ?
Tao nghe đứng cả tóc mai,
Vội mời thầy thuốc phá thai tại nhà.
Tạ thầy mất chục đô la,
Mong thầy kín tiếng kẻo mà. .. về sau
Thầy thuốc nháy mắt gật đầu:
“Lần sau cô bị em hầu cô ngay”.

Nhân đây nói đến chuyện mày:
Nghe đâu cũng xứng là tay giang hồ!
Người yêu rải khắp Liên-xô
Và trong số đó chục cô có bầu!
Cha không trách khứ con đâu,
Đương trai cứ việc kẻo sau tiếc thầm.
Nhưng còn tính chuyện hôn nhân,
Lút-se (2) nên chỉ một lần mà thôi.
Phải suy tính kỹ con ơi,
Trong cơn hoan lạc ngừng lời trăm năm.
Thường khi chung gối, chung chăn,
Người thường dễ dãi đem thân hiến bừa.
Và rồi cha cũng có nghe
Con yêu cô bé cùng quê tỉnh mình.
Hẳn rằng a-ná (3) phải xinh,
Nên con mới phải nghiêng mình trao taỵ
Nghe cha ghi kỹ điều này:
Phải con ông cốp. .. xấu, gầy cũng yêu!
Ông cha cực khổ đã nhiều,
Sống xa Hà nội thiệt nhiều nghe con.
Núp mình dưới bóng ô tròn,
Tương lai xán lạn, lầu son đuề huề.
Hồ Gươm liễu rũ xum xuê,
Hàng Ngang, Hàng Bạc, Thụy Khuê, Tràng Tiền,
Đồng Xuân chợ họp liên miên,
Mùa nào thức nấy sẵn tiền dễ mua
Thăng Long đất cũ người xưa
Mình con tỉnh lẻ ai dưa mình vào.
Xa xôi tình cảm dạt dào
Bận gì thì cũng ghi vào lời cha:
Coi chừng với lũ gái Nga,
Kẻo mà lại dính Si-da có ngày!

Cha

P.S.:
À, quên tao hỏi điều này:
Chẳng hay sức khỏe của mày ra saỏ
Học năm thứ mấy trường nào ?
Phòng khi nhỡ có ai vào tao khoe
Dặn thêm đừng có mua xe,
Bây giờ lãi độ năm que là cùng,
Mà chỗ thì chiếm nửa thùng,
Khuân vác lại nặng phát khùng, phát điên.
Em mày vốn tính ngại phiền,
Mặc dù nó thích dây chuyền từ lâu,
Con chẳng dám xin anh đâu
Anh con lại bảo “Em đâu hay vòi”
Mẹ mày thì luống tuổi rồi
Đừng nên tặng thứ tân thời làm chi
Can-sô, se-pốt, xe-ghi, (4)
Nặng gam là được, cần gì hoa văn!

—————————
Chú thích:
1) Gốt-den (goden) = hạn
2) Lút-se (luts-se) = tốt hơn, tốt nhất
3) a-ná (ona) = cô ta, cô ấy
4) Can-sô (koltzo) = nhẫn
se-pốt (tzepotsca) = dây chuyền
xe-ghi (xer-ghi) = hoa tai
(Tất cả đều là tiếng Nga)

THƯ CON GỬI CHA

Hôm nay nhận được thư Cha
Gửi tay thằng bạn về nhà mới sang
Cầm bút con viết vội vàng
Thăm cha thăm mẹ họ hàng anh em. ..

Cha ơi cha nghĩ mà xem
Tiền con được mấy mà suy nghĩ nhiều?
Tiền con làm chẳng đủ tiêu
Nghìn rưởi một tháng có nhiều đâu cha

Tiền ăn ngàn mốt ngàn ba
Tiền uống, tiền hút thế là hết toi
Cha ơi thử tính mà coi
Tiền ăn không có thì đòi mua chi

Lốp đen lốp đỏ làm gì
Moay-ơ xích líp thôi thì đừng mang
Vải đen, len dạ bi vòng
Thôi cha đừng ước, đừng mong làm gì

Xe đạp nói đến làm chi
Nhà mình đường đất nghĩ gì xe hơi
Thuốc tây khó kiếm cha ơi
Máy khâu, giấy ảnh không hời lắm đâu

Cha nghe tin chắc lòng sầu
Nhưng con còn biết kiếm đâu ra tiền
Gái Tiệp thì đẹp như tiên
Tóc vàng, da trắng, mắt viền mi xanh

Nụ cười nghiêng nước nghiêng thành
Cầm lòng không được, con đành bước theo
Đói nghèo, thì mặc đói nghèo
Sang tây một chuyến phải theo đến cùng

Rượu tây nổi tiếng khắp vùng
Bia tây vang tiếng lẫy lừng thế gian
Khi vui mấy cốc, mấy can
Khi buồn mấy chén là tan hết sầu

Xin cha đừng có lo âu
Nhà mình liềm búa đã lâu rồi mà
Giai cấp vô sản phong ba
Ngày đêm vất vả, nhưng mà có ăn

Trong lúc cả nước khó khăn
Nhà mình giàu có thừa ăn sao đành
Lại thêm trộm cắp tinh ranh
Nó trộm, nó cướp lại thành tay không

Đã đành mất của, mất công
Lại thêm tính mạng cũng không an toàn
Ở nhà nóng nực vô vàn
Điện thì không có quạt bàn làm chi

Quạt mo tốt quá còn gì
Lúc cần có thể mang đi theo người
Tiện lợi thì lại gấp mười
Để ngồi cũng được, che người cũng xong

Mát thì lại đúng ước mong
Không sợ hỏng hóc bên trong bao giờ
Những khi nhà có khách mời
Mỗi người một chiếc, gió trời mát chung

À quên còn chuyện cuối cùng
Cha dặn là phải mua sâm, nhung vào
Nhưng họ có bán đâu nào
Cửa hàng không có thì đào đâu ra ?

Con cũng rất đỗi thương cha
Gửi cha, chai rượu để nhà uống chơi
Rượu này ngon lắm cha ơi
Uống vào một cốc là vơi hết sầu

Rượu này nổi tiếng châu Âu
Uống vào cốc nữa là đầu hết đau
Uống giờ, bổ mãi về sau
Còn hơn sâm của bọn Tàu cha ơi

Họ hàng thân thích đến chơi
Mỗi người một chén nhớ mời nghe cha
Cho thêm vui cửa, vui nhà
Lại thêm tình nghĩa mặn mà anh em

Thương mẹ đói khổ khát thèm
Lấy quần bò cũ con đem may liền
May áo biếu mẹ trước tiên
Con may cái nữa cho liền các em

Đấy cha thử tính mà xem
Tiết kiệm từng tí con đem về nhà
Nghĩ thì cũng thực xót xa
Nhưng tiền không có biết là làm sao

Ở nhà cơ cực, lao đao
Bên tây con cũng có nào sướng đâu
Thôi con dừng bút thư đầu
Để còn cho kịp làm thêm buổi chiều

Thư sau con sẽ nói nhiều
Phân tích cụ thể khỏi phiền lòng cha
Đừng mong quà cáp phiền hà
Đời đời bền vững ấy là bản năng

Hàng hoá mấy thư lăng nhăng
Người ta đánh giá mà tăng thêm phiền
Ở nhà ruộng khoán xã viên
Nhận thêm mấy mẫu có liền thóc ngay

Thôi cha cố gắng cuốc cầy
Nhà mình giàu có ai hay đâu mà.

Con

Posted in Past | 1 Comment »