Welcome to BEAR’s BLOG!!!

“Đứt” chữ!

Posted by BEAR trên Tháng Tám 31, 2008

Mời nghe ca khúc: Quê Nghèo

Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài về những phận học trò nghèo và khát khao đến trường.

Bài 1: Nỗi tủi của những đứa trẻ sống giữa Thủ đô

Trong ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp, mấy đứa nhỏ quẩn quanh ra vào ngày qua ngày. Chẳng ai ngờ, dù được sống cùng gia đình nhưng đã qua độ tuổi tiểu học mà các cháu vẫn chưa hề biết chữ…

“Chỉ mong sao được đi học”

Đó là những đứa con và cháu của chị Phạm Thị Thuận, tại tổ 57, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). Chả mấy ai dám gọi nơi ở của họ là nhà. Gian phòng rộng chừng 16m2, cũng có tường và mái che, nhưng trông chỉ giống như một túp lều tạm bợ, không có số nhà, xập xệ nằm sát cạnh khu nghĩa trang. Gian nhà ẩm thấp, tối om, buổi tối chỉ có ánh đèn tuýp lờ mờ. Trong nhà không có gì giá trị ngoài một chiếc ti vi nhiễu đã quá cũ đi xin về.

Bốn mẹ con, bà cháu gia đình chị Thuận trong túp lều lụp xụp.

Chị Thuận đã 52 tuổi, sự khắc khổ thể hiện trên khuôn mặt đen sạm và thân hình gầy gò. Vốn là người dân định cư ở đây, sau một thời gian theo chồng về Hưng Yên, vì hoàn cảnh, vợ chồng con cái chị lại dắt díu nhau quay lại nơi cũ này.

Họ ở đây đã tám năm, cuộc sống chật vật khó khăn với những công việc tạm bợ, không ổn định.

Con gái út là cháu Đinh Thị Trang (12 tuổi), con trai Đinh Văn Tuấn (18 tuổi) cùng cháu gái Đinh Thị Hồng (7 tuổi).

Tuấn mới được học hết lớp 1, vì điều kiện khó khăn quá nên phải dừng học ngang chừng. Từ đó tới nay, suốt mười mấy năm, Tuấn chỉ ở nhà dọn dẹp, phụ giúp cơm nước cho mẹ. Cái chữ vì thế cũng rơi rụng dần.

Tuấn có nguy cơ mù chữ nếu như cách đây không lâu không được một nhóm sinh viên tình nguyện đến dạy học. Nhưng những ngày được cầm bút học chữ cũng ngắn ngủi, nhóm sinh viên đến rồi lại đi. Tuấn chỉ biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản.

Đã đến độ tuổi lao động, giờ đây mong mỏi lớn nhất của Tuấn là được đi học. Tuấn tâm sự: “Cháu muốn có cái bằng cấp II mà không biết bao giờ mong ước ấy mới thành hiện thực! Bây giờ có muốn đi xin việc ở đâu người ta cũng yêu cầu có bằng cấp. Mới hôm vừa rồi ở nhà không giúp được gì cho mẹ nhiều nên cháu xin đi làm bảo vệ, nhưng người ta yêu cầu phải có chứng minh thư và bằng cấp II, nhưng những cái này cháu lại chưa có nên cũng đành chịu!”.

Còn Trang mới 12 tuổi, tính ra như những đứa trẻ bình thường thì lẽ ra cháu đã được học lớp 5. Nhưng Trang không có may mắn như bạn bè đồng trang lứa, cháu chưa bao giờ được cắp sách đến trường dù chỉ một lần như anh trai mình.

Chị Thuận buồn bã nói: “Nó trách mẹ mãi không cho con đi học. Rõ khổ, nhưng biết làm sao. Bây giờ nó luôn mặc cảm vì đến tuổi này rồi mà không biết chữ!”.

Thời gian gần đây, vì không muốn ở nhà, Trang đã xin mẹ đi làm phục vụ cho một hàng cơm bình dân. Công việc của cháu là nhặt rau, rửa bát, bưng bê, từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều mỗi ngày. Vậy là thay vì cắp sách tới trường thì hàng ngày Trang phải quanh quẩn phục vụ cho một quán ăn trên phố chùa Hà.

Hiện tại, công việc của chị Thuận là bán phở thuê, những khi rảnh rang một chút chị đi giặt và làm thuê những việc khác. Trước đây, mỗi tháng chị kiếm được khoảng 600-700 nghìn đồng, nhưng thời gian gần đây mỗi tháng làm được 500 nghìn đồng khó hơn rất nhiều.

Đi học – điều xa xỉ!

Ven theo con đường mòn giữa cánh đồng từ Quốc lộ 6 vào xóm Cầu Tiến, xã Xuân Thủy Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội), chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Trinh, một gia đình được liệt vào dạng nghèo nhất xã.

Chị Trinh và những đứa con thơ không được đến trường

Gia đình chị Trinh có 6 người con thì 3 đứa lớn đến tuổi đi học đều phải ở nhà giúp mẹ do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn

Chồng chị, anh Vũ Gia Chung vì không có con trai đã đi lấy vợ hai sinh thêm được hai người con khác, sau một thời gian rồi quay về sống với mẹ con chị. Cách đây chưa đầy một năm, trong một vụ tai nạn, không may anh Chung qua đời, còn lại chị và bảy đứa con thơ phải sống cảnh nheo nhóc.

Vì nghèo khó, lại đông em nên hiện tại hàng ngày Sâm phải theo mẹ đi làm thuê, hết đào giếng, cuốc cỏ, lại gặt cấy thuê. Công việc vất vả nhưng thu nhập lại chẳng được là bao, tháng nào nhiều người thuê, hai mẹ con kiếm được 700.000 đồng là cao nhất.

Nhiều khi không có việc, để lo cho sáu miệng ăn, hai mẹ con lại xách giỏ đi khắp các ao, đồng trong làng, ngoài xã mò cua bắt ốc. Sâm buồn rầu: “Nhìn các bạn được đi học cháu cũng tủi thân lắm! Nhưng biết làm sao được khi dưới cháu vẫn còn các em đang tuổi ăn, tuổi lớn cũng phải ở nhà trông nhau!”.

Đứa em gái kế tiếp Sâm, Vũ Thị Miến (12 tuổi), thay vì cắp sách tới trường, công việc hàng ngày là trông ba đứa em nhỏ và nấu cơm giúp mẹ. Nhìn cô bé gầy gò phải vất vả với ba đứa em đang đùa nghịch, khóc lóc trong ngôi nhà chật hẹp mới thấy thật xót xa.

Niềm mơ ước được đi học luôn ám ảnh Miến. Chẳng thế mà bất cứ ai đến nhà hỏi thăm, Miến đều nói cháu đang học lớp 6, như những đứa bạn bằng tuổi nhà sát bên. Nhưng hỏi Miến biết chữ không thì Miến chỉ cười, rồi lại chạy ra ôm đứa em một tuổi thức giấc đang gào khóc mà cưng nựng, dỗ dành.

Một trong 2 đứa con thất học của chị Trinh

Có lẽ vì ước muốn được đi học nên Miến và các em thích chơi trò chơi lớp học. Miến đóng vai cô giáo dạy chữ cho các em của mình là học trò. Nhìn Miến cùng mấy đứa em lớ ngớ đọc vẹt “A, Bờ, Cờ…” và dáng vẻ, điệu bộ của mấy chị em làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Một giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên gương mặt quắt queo của chị Trinh. Mấy đứa con nhà chị vẫn ăn vận với bộ quần áo cũ, không rách chỗ nọ lại thủng chỗ kia, ngày ngày chăm nom nhau trong gian nhà trống. Chúng đâu hề biết tương lai của mình trong ngôi nhà này là nguy cơ thất học, mù chữ. Nơi có những ước mơ giản đơn nhưng chẳng dễ dàng…

Bài 2: Con muốn đến trường, không đòi sách vở đâu!

Khi chúng tôi hỏi: “Mến có muốn đi học không?”, em vừa khóc vừa nói: “Cháu muốn đi học lắm, nhưng đêm qua nghe bố mẹ nói chuyện với nhau là bắt cháu phải nghỉ học”. Rồi quay sang mẹ, Mến van xin: “Mẹ ơi, con muốn đi học! Mẹ đừng bắt con phải ở nhà! Dù không đủ sách vở nhưng con không đòi nữa đâu”.

Chúng tôi trở lại Rú Mốc (xã Thạch Bàn – huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh) sau 8 tháng xảy ra vụ tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng. Không khí nơi đây vẫn đìu hiu, xơ xác. Hàng chục phụ nữ vẫn kiên trì ngồi trước mỏ đá chờ xe đến để bốc hàng. Khuôn mặt ai cũng rầu rĩ, nặng trĩu ưu phiền.

Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, ông xóm trưởng xóm 9 lắc đầu ngao ngán: “Sau trận sập núi kinh hoàng, mỏ đá bị đóng cửa khiến lao động trong xóm hầu như thất nghiệp, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Năm học mới sắp bắt đầu nhưng nhiều trẻ em của xóm đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục đến trường”.

Theo lời chỉ dẫn của ông xóm trưởng, chúng tôi vượt qua cây cầu nhỏ để tìm đến nhà của em Nguyễn Thị Mến, học sinh lớp 3B Trường Tiểu học Thạch Bàn.

Mến bật khóc khi nghe tin mình sắp phải nghỉ học. Ảnh: Hà Vy

Nhà Mến có 6 chị em tuổi sàn sàn như nhau. Mặc dù tất cả đã đến tuổi đi học, nhưng trong nhà chỉ có 3 chị em may mắn được đến trường, số còn lại đều phải bỏ học giữa chừng vì nghèo.

Năm ngoái, đứa đầu là Nguyễn Thị Hương phải nghỉ khi chưa học hết lớp 5 để ở nhà giúp mẹ chạy chợ kiếm ăn qua ngày. Làm việc quần quật suốt cả ngày khiến đầu óc nó mụ mị, bây giờ thì chữ không còn đọc nổi nữa”.

Không có ăn lấy gì mà học

Không chỉ riêng trẻ em Rú Mốc đối mặt với việc phải nghỉ học, tình trạng này cũng xuất hiện khá nhiều tại xã vùng biển nghèo Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh). Hầu hết người dân trong xã đều sống dựa vào nghề làm muối, thu nhập thấp nên khi năm học mới sắp bắt đầu nhiều gia đình đã phải nghĩ đến việc cho con nghỉ học.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Lĩnh – người được cho là nghèo nhất, nhì xã. Trong căn nhà trống hoác, chị cùng đứa con gái thứ hai đang ngồi cặm cụi gọt bưởi bán kiếm sống qua ngày.

Chị Lĩnh nghẹn ngào: “Những năm trước, gia đình chúng tôi sống dựa vào nghề muối rất vất vả nhưng cũng đủ nuôi các con ăn học. Thế nhưng, cách đây 2 tháng, chồng tôi phải vào tù vì tội vô tình đánh chết người. Từ hôm anh ấy bị bắt, bao nhiêu tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi sạch”.

“Nếu bây giờ để các cháu bước vào năm học mới thì phải nộp gần 2 triệu đồng, mà khoản tiền lớn như vậy thì tôi xoay xở đâu ra, cho nên có lẽ đành phải cho hai cháu nghỉ học năm nay rồi sau đó tính tiếp” – chị Lĩnh đau xót.

“Thằng Nhật nếu phải nghỉ học thì ít ra nó cũng đã biết mặt chữ rồi, còn cái Loan thì tôi thương lắm, đến tuổi đi học nhưng chẳng được đến trường” – chị Lĩnh bần thần

Trên cánh đồng muối Kỳ Hoa trời nắng chang chang, gió Lào thổi như quất vào mặt nhưng Nhật vẫn cặm cụi làm đất đem phơi để về lọc nước làm muối.

Đường đến trường xa dần

Đường đến trường với các em học sinh ở làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị cứ xa dần. Làng có 968 khẩu, trong đó gần 100 học sinh phải bỏ học.

Ông Phạm Văn Phương, Trưởng làng cho hay: “Năm 2005, do nạn đất sụt ở làng cũ nên mọi người được Nhà nước di chuyển vào đây định cư. Nhà và đường đó đều do Nhà nước làm hết. Ở nơi định cư mới, đất canh tác ít, lại không có thuỷ lợi nên kinh tế rất khó khăn”.

Hầu hết mọi người trong làng Tân Hiệp đều lấy nghề rà phế liệu làm nghề mưu sinh. Ông Phương cho biết đến 90% dân làng làm nghề này. “Nói ra thật đau lòng, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong làng có đến chừng 100 em phải bỏ học do hoàn cảnh kinh tế, chiếm đến 1/10 dân số của làng”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Năm, câu chuyện xảy ra cách đây 2 năm, giờ kể lại anh Năm vẫn tiếc nuối: “Lúc đó, gia đình kẹt quá nên mới phải cho thằng Phồn nghỉ học. Rứa là hắn mới học xong lớp 7 đã phải bỏ giữa chừng”.

Chỉ có điều, những đứa trẻ phải nghỉ học giữa chừng như Phồn ở trong làng khá đông. Các em nghỉ học chủ yếu ở lớp 7 – 8. Mặc dù được bố mẹ động viên nghỉ học đến khi nào có tiền sẽ học tiếp, nhưng với nhiều em học sinh ở làng Tân Hiệp, một khi đã nghỉ học thì con đường tiếp tục đến trường cứ xa dần và mất hút…

Bài 3: Giữa chốn phồn hoa mơ tiếng trống trường

Nguyễn Thị Ngọc Hương (Quận 8, TP.HCM) đã 10 tuổi rồi nhưng cũng chưa vào lớp 1. Ba bỏ đi, mẹ làm thuê mãi tận Long Thành – Đồng Nai, Hương sống với ông ngoại trong căn nhà tạm chật chội ven kênh Tàu Hủ. Không đến trường, Hương được ông ngoại cho đi học chữ ở một cô giáo trong xóm với học phí là 2.000đ/ buổi. Nhưng chẳng được bao lâu em phải nghỉ vì cô giáo không dạy nữa.

Ông ngoại của Hương kể, hàng ngày, em vẫn lẽo đẽo theo chân các bạn cùng xóm đến trường, nhưng khi các bạn vào lớp thì chỉ còn mình Hương loanh quanh trước cổng trường, mắt đăm đắm nhìn vào các ô cửa số của lớp học.

Sống trong bãi rác, những đứa trẻ này không hề biết đến trường học, sách vở. Ảnh: Hà Dịu

Khi hỏi em còn nhớ được chữ nào khi đi học ở nhà cô giáo không, Hương gật đầu rồi bặm môi hí hoáy viết từng chữ. Chúng tôi thật sự bất ngờ khi em chìa cho xem tờ giấy với những nét chữ nguệch ngoạc: Học là điều tốt đẹp đối với em. Em thích được đi học.

Tại bãi nilon, một điểm tập kết rác tái chế tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM, bên cạnh những lao động làm việc là một vài đứa trẻ da đen sạm, tóc hoe nắng đang đùa nghịch một cách hồn nhiên. Các em tầm 7 – 8 tuổi, là người Khơme, theo mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Ở trong bãi rác từ nhỏ, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, có em còn không biết nói tiếng Việt, nên những em bé này không hề biết đến khái niệm đi học.

Cũng như anh chị của mình, các em sống hồn nhiên như cây cỏ và đến một độ tuổi có thể lao động được sẽ lại làm việc trong bãi rác cùng cha mẹ.

Đang học lớp 7 nhưng Nguyễn Thị Cẩm Tiên (xóm Di Rời, Cần Thạnh, Cần Giờ) đã phải nghỉ học vì gia đình gặp cú sốc lớn. Cha mất, một mình mẹ không đủ sức gánh vác cả gia đình với 3 đứa con nhỏ nên Tiên xin nghỉ học để ở nhà giúp mẹ lo cho các em.

Hàng ngày, Tiên phải dậy từ 4h sáng, chở đứa em nhỏ 3 tuổi đi gửi trẻ rồi cùng mẹ và cô em gái 10 tuổi tất tả ra đi. Mẹ Tiên dọn dẹp và bán căntin ở trường nên phải đi sớm. Công việc lựa cá rồi phơi cá của em cũng bắt đầu từ 4 rưỡi sáng nên em gái đang học lớp 5 cũng phải theo mẹ đến chỗ làm.

Hàng tháng, mẹ Tiên kiếm được 7 trăm ngàn thì phải trả cho người giữ em 5 trăm ngàn. Số tiền còn lại cùng với mấy trăm ngàn Tiên kiếm được dành để lo chi tiêu cho gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mặc dù rất muốn tiếp tục đi học Tiên cũng đành phải gác lại.

Sao em không đến trường?

Từ Sóc Trăng lên thành phố kiếm sống, chị Huỳnh Kim Mỹ đưa 2 đứa con theo, trụ lại tại bãi tập kết rác tái chế ở khu Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Hai con chị – một đứa 16 tuổi, một đứa 13 tuổi đều nghỉ học từ rất sớm, làm chung với mẹ trong bãi rác.

Ông Nguyễn Văn Hóa, phụ trách phổ cập giáo dục tại xã Đông Thạnh, Hóc Môn cho biết, nhiều trường hợp những em học sinh cấp II không được đến trường là do vướng mắc giấy khai sinh, chủ yếu là rơi vào dân nhập cư.

Bài 4: “Thưa thầy em không có sách”

Năm nào cũng vậy, trước đầu năm học mới, người dân vùng sâu ĐBSCL lại phải… chạy tiền. Dù học phí được giảm, miễn nhưng còn thêm nhiều chi phí khác… Trong khi người lớn dáo dác đi xoay tiền về mua sách vở, làm học phí cho con đi học thì những đứa trẻ cũng sốt ruột không kém, bởi những ngày này, nếu cha mẹ chúng không lo nổi số tiền đó thì rất có thể, ngày khai trường tới chúng đành ngậm ngùi ở nhà.

Trẻ em Đất Mũi vô tư chơi đùa mà đâu biết cha mẹ các em đang nặng lo tiền tập sách đầu năm học

Vay “nóng” cho con đến trường

Trong kỳ 1 năm học 2007 -2008, Cà Mau có trên 4.100 học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT, bằng 12% số học sinh của hai khối này. Và Cà Mau được xếp hạng thứ ba trong số các tỉnh thành có tình trạng học sinh bỏ học cao nhất nước.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện học hành của trẻ con trong xóm, ông Tùng ngồi trầm ngâm, nhìn mưa. Đợi bà Năm Đầy kể hết câu chuyện 4 đứa con của bà phải lần lượt bỏ học từ cấp 1 vì nghèo, ông Tùng mới nói: “Tại chị Năm nói vậy chứ, đã quyết tâm thì việc gì chả làm được. Năm ngoái, em bán luôn cái máy cô-le lấy tiền mua sách vở, áo quần cho hai đứa nhỏ vào học đó”.

Nói vậy nhưng ông Tùng bỗng khựng lại, mặt bần thần. Ba đứa con ông Tùng đều vào học, vị chi mọi thứ không dưới 1 triệu đồng. Trong khi trong nhà hiện không còn được hai trăm ngàn đồng. Ông Tùng cầu mong biển động rồi lại yên. Ông nói: “Có như vậy thì mới đánh lưới có tiền cho chúng nó mua sách vở”.

Nỗi ám ảnh 117.000 đồng

Chỉ vì không có đủ 117.000 đồng để đóng tiền học, con gái thứ hai Phan Thị Hồng Sang, 16 tuổi của vợ chồng anh Phan Văn Triệu và Nguyễn Thị Xuân (ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) phải nghỉ học từ hai năm trước ở lớp 4.

Vợ chồng chị Xuân không đất đai sản xuất, sống bằng nghề làm thuê nông nghiệp ở ấp 19, xã Nguyễn Phích. Điều duy nhất mà vợ chồng chị may mắn hơn người là có được 3 đứa con gái xinh xắn và thông minh, đứa nào cũng học giỏi. Nhưng điều đó lại làm cho tâm trạng của vợ chồng anh chị đã trở nặng nề vào đầu năm học mới.

Vào năm học 2006 – 2007, trong một ngày ở giữa kỳ học thứ nhất, bé Hồng Sang đi học về với đôi mắt đỏ hoe, xưng húp. Bé nói với chị Xuân: “Mẹ! nhà trường đòi tiền trường. Thầy giáo nói với con là nếu ngày mai không nộp tiền trường thì khỏi đi học nữa!” Nói xong Hồng Sang chạy thẳng vào buồng nằm rấm rứt, quên cả cơm chiều.

40.000 đồng/ngày – hay hơn đi học?

Còn tại một làng nhỏ có cái tên Hoàng Kim, nằm ven đê cấp 1 sông Hồng, qua địa phận huyện Mê Linh – Hà Nội, giữa 1h chiều gắt nắng, 5-7 chú bé con đang độ tuổi học sinh cấp 1 đang say sưa sấp ngửa bên những dải ruộng xanh mướt.

Bỏ học đi chích điện bắt cá kiếm tiền hay hơn đi học?

Mải miết bước trên những bờ ruộng trơn nhẫy, lấp xấp nước, 3 thằng bé chăm chú nhìn theo 2 đầu gậy của cái “xiệc điện” để kịp bắt cá rô, trạch và lươn đang ngoi lên mặt nước vì bị điện giật. Sau gần 1 tiếng lượn quanh mấy thửa ruộng gần, lũ trẻ chừng đã thấm mệt nên rủ nhau ngồi nghỉ đầu mương nước và tranh thủ kiểm tra số chiến lợi phẩm thu được.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, 2 anh em Linh – Lĩnh láu táu chen ngang: “3 đứa chúng cháu đều nghỉ học rồi chú ạ, ở nhà đi bắt cá bán cũng được 40.000 đồng/ ngày, hay hơn đi học nhiều, bố mẹ còn đỡ phải lo học phí nữa”.

Bài 5: “Đứt” chữ- Con thơ tức tưởi, mẹ cha ngậm ngùi

Nghèo ngăn chân em đến lớp

Hàng trăm chiếc đò lụp xụp, nằm hai bên bờ sông Bạch Đằng (TP Huế), lũ trẻ con nheo nhóc đứa lớn bồng đứa bé lê la trên bãi cát ven sông. Bên kia đường là trường tiểu học Thanh Long, cũng chừng ấy tuổi, những tốp học sinh quần xanh áo trắng đến trường.

Mới tí tuổi đầu, Phương gần như trở thành bà mẹ trẻ của 3 đứa em thơ. Quần quật từ sáng đến tối từ cho em ăn đến giặt quần áo, thu vén trong nhà, một tay Phượng lo tất cả.

Mà cái ước mơ đến trường của Phượng cũng giản dị lắm: “Cho con đi học để đọc được mấy chữ trên tivi ở nhà trên phố kia thôi”.

Ngược lên bờ để đến những “ngôi nhà” vạn đò khác, bất chợt gặp một chú bé đoán chừng 7 – 8 tuổi, trên vai lặc lè một bao tải toàn túi nilon phế thải. “Em còn đi học không?” Chúng tôi hỏi. Mắt chú bé sáng ngời: “Anh chị mở lớp tình thương à? Cho em học với!”. Rồi cậu bé chùng xuống, lầm lũi bước đi khi nhận cái lắc đầu của chúng tôi.

Hỏi ra mới biết, em là Nguyễn Văn Bình, ở khu định cư phường Phú Hiệp (TP Huế) phải bỏ học nửa chừng khi đang học lớp 7. “Em cố gắng đi làm, giúp đỡ gia đình. Nếu lúc nào nhà đỡ nghèo, em sẽ xin mấy thầy cô cho em được trở lại trường” – Bình nói chua xót. Cả 4 anh em của Bình đều phải nghỉ học để kiếm sống.

Con phải nghỉ học thôi!

“Ba mẹ ơi, con phải nghỉ học thôi, làm sao con học được, ai lo cho con, cho em bây chừ…” Tiếng khóc nấc nghẹn của cậu bé Nguyễn Văn Thành, HS lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam bên bàn thờ người cha xấu số vừa mới qua đời khiến người chứng kiến không cầm được nước mắt.

Chưa đầy 2 năm, hai đứa trẻ đã phải chịu hai cái tang của mẹ và ba lần lượt ra đi vì căn bệnh quái ác không tiền chữa chạy. Tội nhất là cô bé Nguyễn Thị Công, HS lớp 7, cùng trường với anh đã không còn nước mắt để khóc.

Đã hơn 3 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Hào mang căn bệnh hiểm nghèo, nên mọi lo toan cho cuộc sống đều đổ lên đôi vai của hai đứa trẻ này. Mới 14 tuổi nhưng Thành một buổi đi học, một buổi phải ra đồng để lo cho 6 sào ruộng, nguồn sống duy nhất của gia đình

Nhưng Thành bảo: “Giờ em chỉ phải lo cho đứa em. Cũng may là thầy cô và bạn bè cùng lớp đã giúp đỡ. Khó nhất là cuộc sống hàng ngày không biết lấy cái chi để ăn mà đến trường…”.

Cuộc mưu sinh của người lớn lẫn trẻ em ở khu vạn đò TP Huế quá vất vả, miếng cơm, manh áo là nỗi ám ảnh của mỗi phận người. Dù sớm bước vào đời kiếm sống, nhưng những đứa trẻ ở đây vẫn luôn đau đáu được đến lớp đến trường, con cha mẹ chúng cũng chỉ biết nuốt nghẹn nỗi tức tưởi, xót xa vào lòng…

Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn;

Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729 hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: 08-930-8101.

Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.

(Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi “Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường”)

Mời xem thêm:
Phạm Trần: Nông dân hay bần cố nông? Cán bộ ăn cả tiền xóa đói giảm nghèo
Độc quyền lấy tiền và tặng phẩm cứu trợ dân bị bão lũ
Nghiêm cấm tự ý làm từ thiện

Bình luận về bài viết này