Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Những chuyến đò ngang “đánh cược” với tử thần

Posted by BEAR trên Tháng Hai 1, 2009

7h30’ sáng 25/1 (tức sáng 30 Tết Kỷ Sửu), tại địa phận xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ chìm đò thảm khốc trên sông Gianh. Số người thiệt mạng lên đến 42 người.

VN lập đoàn thanh tra đò ngang

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam, ông Hồ Nghĩa Dũng, vừa ký lệnh thành lập hai đoàn thanh tra cấp bộ để kiểm tra một số bến đò ngang trong tuần đầu tháng Hai.

Đoàn sẽ ‘kiểm tra thực trạng một số bến đò ngang’ trong hai ngày 3 và 4 tháng Hai.

Cạnh đó, theo chỉ thị của bộ trưởng giao thông, đoàn ‘cần rà soát, xóa bỏ các địa điểm đưa rước khách không cho phép, ngưng hoạt động các phương tiện không đủ tiêu chuẩn’; và nhắc nhở bến rước cũng như chủ đò chấp hành quy định về an toàn vận chuyển hành khách.

Và tại TP.HCM, vẫn còn đó những chuyến đò “đánh cược” mạng sống với tử thần.

Sự cố xảy ra tại sông Gianh đã làm người dân cả nước bàng hoàng. Một cái Tết đau thương đối với bà con vùng đất Quảng Trạch.

Đây không phải là thảm họa chìm đò đầu tiên. Trước đó, những chuyến đò ngang đã cướp đi hàng chục sinh mạng dường như vẫn chưa làm nao núng những người liên quan.

Sự đau thương ấy, lẽ ra phải khiến nhiều người dân và cả cơ quan chức năng ở những địa phương khác trên cả nước cảnh tỉnh. Thế nhưng…

Áo phao chỉ để làm “kiểng”

17h ngày 29/1 (mồng 4 Tết), chúng tôi có mặt tại một bến đò trên đường Trần Xuân Soạn trước nhà số 853 (phường Tân Hưng, Q.7, TP.HCM).

Con đò nhỏ chở trên đó vài người khách và xe máy. Những chiếc áo phao màu vàng được gói gọn trong một chiếc sọt.

Khách vẫn ung dung trong khi nước triều trên dòng kênh Tẻ mỗi lúc một dâng cao.

Một chiếc xà lan vụt ngang qua. Sóng đánh nhấp nhô làm đò ngang chao đảo. “Nếu không may sự cố xảy ra, liệu những người khách trên đò có kịp rút áo phao trong chiếc sọt kia không?” – chúng tôi tự hỏi.

Hàng chục người khách trên chuyến đò Hoàng Đạo Thúy và Rạch Cát chỉ có dăm ba áo phao treo dọc mạn đò. Ảnh: Lê Du An

Ở Bến Đá, cuối đường Phạm Thế Hiển (P.7, Q.8) những chuyến đò sang sông Cần Giuộc và Rạch Cát cũng trong tình trạng như thế.

Một tài công cho biết: “Trước đây, chúng tôi sắm đủ nhưng không ai chịu mặc. Dần dần thành thói quen nên cũng chỉ treo sẵn mỗi khi có kiểm tra thì mình cũng đủ”.

Tại bến đò Long Sơn (ấp cầu Ông Tán, phường Long Bình, Q.9), hàng chục chiếc đò đưa khách qua cù lao Long Sơn tấp nập vào những ngày Tết. Vậy mà, áo phao chỉ treo sẵn trên nóc mui “làm cảnh”.

Chuyện đau lòng sao vẫn mãi tái diễn?

Ngày 15/5/2003, tại bến Cà Tang trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) 18 em học sinh trên đường đến trường đã bị chết đuối khi chuyến đò sang sông bị chìm.

Ngày 26/8/2004, tại Cửa Lục (Quảng Ninh) một vụ lật đò đã làm 19 người chết và mất tích. Chưa hết, trên sông Lam (Nghệ An), tại bến đò Chôm Lôm, một vụ đắm đò khác cũng đã làm cho 19 học sinh thiệt mạng.

Con số thảm họa về người chết vì những chuyến đò ngang không an toàn chưa dừng lại? Sẽ còn những thảm họa tiếp tục gieo rắc kinh hoàng cho người dân ở những vùng sông nước cách trở mà phương tiện giao thông chính là đò ngang?

Theo số liệu thống kê của ngành giao thông vận tải, cả nước có trên 2.300 bến khách sang sông, dọc tuyến trong đó có khoảng 1.000 bến chưa có giấy phép hoạt động. Số phương tiện chở khách lên đến trên 3.000 và 6.000 người điều khiển nhưng đã có gần 2.000 người chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Những yếu tố này đã góp phần đáng kể vào nguyên nhân xảy ra tai nạn lật đò, đắm đò.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/A-fatal-story-cause-by-a-ferry-boat-accident-due-to-the-late-construction-of-the-Quang-Hai-bridge-01292009190300.html

Tai nạn thảm khốc

Theo cơ quan chức năng xã Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thì gần 3.000 người dân ở đây ngày đêm đều trông chờ cây cầu bắc qua sông Gianh sớm hoàn thành, vì công trình này lẽ ra đã đí vào hoạt động từ tháng 9 năm 2005. Nếu chiếc cầu này hoàn thành rồi thì tai nạn thảm khốc đúng hôm 30 Tết đã không bao giờ xảy ra.

Một người dân tại xã Quảng Hải nói với Đài Á Châu Tự Do chúng tôi về dự án xây cầu bắc qua sông Gianh nối liền địa phương cù lao này với bờ bên kia :

“Dự án ban đầu thì nói là 24 tháng, tức là 2 năm hoàn thành, nhưng đến nay là hơn 5 năm rồi mà bây giờ cái cầu phía nam từ Quảng Hải qua Quảng Long thì hoàn thành rồi, cho người đi bộ, còn cái cầu từ Quảng Hải qua Quảng Phong cho đến nay thì cũng còn làm dở dang được mấy cái trụ thôi chớ chưa có chi cả.

Chúng tôi là người dân thì thấy rằng về phạm vi của nhà nước thì cũng có quan tâm nhưng mà cái phạm vi để đầu tư cho làm dứt điểm thì cũng không được cho có quan tâm lắm.
Một người dân Quảng Hải

Chúng tôi là người dân thì thấy rằng về phạm vi của nhà nước thì cũng có quan tâm nhưng mà cái phạm vi để đầu tư cho làm dứt điểm thì cũng không được cho có quan tâm lắm. Thực tế nếu như có nguồn vốn thì rõ ràng chủ đầu tư sẽ làm xong thôi, chắc là vốn nhỏ giọt cho nên bây giờ đơn vị thi công cũng làm nhỏ giọt thôi.”

Ông Nguyễn Văn Long, Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải Quảng Bình, là đơn vị chủ đầu tư của dự án cho báo chí biết nguyên nhân chính khiến của việc thi công cầu Quảng Hải bị chậm trễ là do gặp phải một hang động, nên phải ngưng dự án này trong vòng 9 tháng, để thiết kế lại theo phương hướng khác.

Ngoài ra, theo ông, các đơn vị thi công cũng gặp khó khăn trong hoàn cảnh suy thóai kinh tế chung, khiến nguồn vốn đầu tư bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo thiếu trách nhiệm

Trong khi đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long với bao sông ngòi kinh rạch là nơi cần nhiều cầu để dân chúng tiện việc đi lại làm ăn buôn bán.

Bà Mai từ Bến Tre nói với phóng viên Ban Việt Ngữ của Đài chúng tôi rằng hệ thống cầu đường tại Việt Nam không mấy an toàn, vì hầu như các công trình lớn đều bị bòn rút, bằng mọi cách:

“Tôi là người ở đồng bằng sông Cửu Long thì qua vấn đề hệ thống cầu cống, rõ ràng là tôi thấy không bảo đảm an toàn cho người dân. Qua cái cầu Cần Thơ thì đó là một điển hình. Làm cầu thì nói đến xây dựng, nói đến sắt thép, xi măng, cát đá.

Nguyên nhân chính là họ tham nhũng, thì ở trên cấp lớn tham nhũng nhiều, cấp dưới cũng tham những nhiều, thì rốt cuộc lại cầu cống người dân chịu.
Bà Mai

Những công trình đó đa phần là làm không có chất lượng, rút ruột. Thí dụ như bây giờ sắt cho là bao nhiêu tấn để xây cái cầu đó thì mấy người xây dựng đó họ không có làm đúng như vậy. Nguyên nhân chính là họ tham nhũng, thì ở trên cấp lớn tham nhũng nhiều, cấp dưới cũng tham những nhiều, thì rốt cuộc lại cầu cống người dân chịu.

Mà nếu như do tham nhũng làm, sắt thiếu, xi măng thiếu, rồi làm không đảm bảo thì cái chuyện sập cầu đi đến tai nạn cho người dân thì chỉ có dân đen là lãnh đủ thôi. Mình cũng chứng kiến cái kiểu là ăn cắp công trình, ăn cắp sắt, ăn cắp đá, mà mấy ổng kêu bằng làm nhận công trình rồi đưa qua cho người khác làm, thành ra cứ người này chặt 10%, người khác chặt 10%, thì thử hỏi cái công trình đó còn lại bao nhiêu?”

Nguyên nhân chìm đò?

Phần ông Bảo, một cư dân Cần Thơ thì tin rằng hệ thống giao thông, cầu cống ngày càng được nâng cấp, nên người dân thấy bảo đảm hơn, sở dĩ tai nạn xảy ra là do thời tiết xấu :

“Thấy thì cũng bình thường thôi chớ đâu có gì đâu! Cũng là thông suốt, cũng không có gì xảy ra. Cái đó chắc là do thời tiết như thế nào, làm sao đó mình cũng không hiểu. Cầu cống bây giờ có chất lượng rồi. Còn cái chuyện cầu Cần Thơ đó là do xui rủi. Nó mới mẻ quá thành ra nó bị vậy thôi chớ cầu cống sông ngòi lưu thông bây giờ an toàn.

Bây giờ nhà nước người ta nói luôn là làm cho dân thích, cho dân chịu. Đồng bằng sông Cửu Long mình là ngon luôn. Còn cái vụ ở vùng ngoài thì cái đó mình xa xôi quá mình không hiểu biết. Chớ nói gì đồng bằng sông Cửu Long thì an toàn. Cầu cống sông rạch là lưu thông bình thường.”

Trong năm qua nhiều vụ đắm đò, chìm thuyền rất thương tâm khác đã xảy ra tại nhiều nơi trong cả nước như Nghệ An, Quảng Nam, mà nạn nhân là những cháu học sinh phải đi học qua sông bằng đò, bằng ghe nhỏ.

Báo chí trong nước nhắc lại là cầu Quảng Hải nối xã Quảng Hải, Quảng Lộc với xã Quảng Thanh được khởi công hồi tháng 9 năm 2003, dự tính sẽ hoàn thành sau 24 tháng xây dựng, nhưng tính đến nay, cây cầu này vẫn còn dở dang và chỉ có thể dứt điểm, đi vào phục vụ người dân, vào cuối quý 2 năm 2009.

Chùm ảnh: Cà Mau mong manh cầu khỉ, đò ngang

Để có thể đến trường, hàng ngày, học sinh ở ấp Trung Hưng (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) phải chen chúc trên những chuyến đò mong manh hoặc phải đi qua những chiếc cầu khỉ chênh vênh đầy bất trắc…

Những chiếc cầu bê tông bắc ngang sông hoặc những con đò an toàn chắc, chắn luôn là niềm mong ước của các em học sinh ở một trong những xã xa xôi nhất của tỉnh Cà Mau.

Mỗi buổi sáng, học sinh ấp Trung Hưng, (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) tìm cách đến trường. Phương tiện đi lại của học sinh sống ở vùng sông nước là những con đò hoặc những cây cầu khỉ mong manh.

Những chuyến đò dọc mong manh, bất trắc…

Những cây cầu khỉ cũng mong manh, bất trắc không kém

Đường đến trường của học sinh ở vùng sâu, vùng xahuyện Trung Hưng luôn gập ghềnh, trắc trở.

Đã có nhiều học sinh trượt chân chết đuối khi đi qua cầu khỉ…

Nhưng giấc mơ được đến trường thì lúc nào cũng cháy bỏng…

Những chiếc cầu bê tông và những chuyến đò an toàn luôn là mong ước của hàng triệu học sinh vùng sông nước ở các địa phương xa xôi ở Cà Mau.

Chỉ có điều, cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám dai dẳng gia đình những học sinh vùng sông nước nên họ vẫn mãi chỉ biết ước mơ…

Bình luận về bài viết này