Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Truyện dài kỳ : đất đai (16): Lãng phí đất công – Sự thật được phơi bày

Posted by BEAR trên Tháng Chín 7, 2009

Lãng phí đất công: Sự thật được phơi bày

(Dân trí) – “Gần 300.000 ha đất được Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng nhưng thực tế lại chưa… sử dụng, trong đó hơn 250.000 ha để hoang hoá, còn lại là các dự án treo…” – Thống kê trên vừa được Bộ Tài nguyên Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dự án sau giao đất là… treo (ảnh minh họa).

Sử dụng sai mục đích, lấn chiếm tràn lan

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm kê quỹ đất năm 2008 của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang hoá, lãng phí là rất nghiêm trọng.

Điển hình là tại Hà Nội, một trong những địa phương mà các doanh nghiệp (chủ yếu là ngoài quốc doanh) luôn kêu khó vì thiếu quỹ đất thì trong số 3.401 dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, có tới 505 dự án bị “treo” dưới nhiều dạng (từ 2003 – 2008).

Có dự án bị ách tắc do chậm GPMB, có dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền từ khi nhận bàn giao đất trên thực tế hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt. Bên cạnh đó, không thể thiếu các trường hợp đất bị chuyển nhượng trái phép, bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích…

Theo kết quả kiểm kê quỹ đất trên toàn quốc năm 2008, tổng số tổ chức sử dụng đất cho thuê trái phép là 1.205 tổ chức với diện tích gần 3.000 ha. Trong đó, diện tích đất cho thuê trái pháp luật đối với khối các tổ chức cơ quan nhà nước là 1.890 ha, chủ yếu ở các tổ chức là UBND cấp xã, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị.

“Lãng phí đất công suốt nhiều năm qua là sự thật khách quan dễ nhận thấy nhưng đây là lần đầu tiên sự thật đó được thống kê đầy đủ, chi tiết bởi cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai” – một quan chức Bộ TNMT nhận định.

Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích được giao, thuê xảy ra ở hầu hết các loại hình tổ chức. Cả nước có 3.311 tổ chức được giao, thuê với diện tích là 25.587 ha đã sử dụng không đúng mục đích, chủ yếu nhằm vào sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên… Cũng theo báo cáo trên, tổng diện tích bị lấn chiếm lên tới 254.000 ha do 3.915 tổ chức, cá nhân đang quản lý. Nguyên nhân là do tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, sử dụng chưa hết diện tích được giao, quản lý lỏng lẻo ở hầu hết các loại hình tổ chức.

Mặt khác, thời gian giao đất trước đây đã quá lâu, thủ tục không đầy đủ dẫn đến để cho các cá nhân, tổ chức khác lấn chiếm. Cá biệt có tổ chức không biết ranh giới đất của đơn vị mình sử dụng đến đâu… Chính điều đó dẫn tới tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra thường xuyên và kéo dài.

Hơn 250.000 ha đất để hoang

Một trong những vấn đề gây bức xúc lớn trong dư luận chính là việc các tổ chức được giao, thuê đất đã không sử dụng, để hoang hoá.

Thống kê từ Bộ TNMT, có tới gần 300.000 ha đất của 4.120 tổ chức được giao, thuê nhưng chưa sử dụng, trong đó số diện tích còn để hoang hoá lên tới hơn 250.000 ha, còn lại gần 49.000 ha là đầu tư, xây dựng chậm (hay còn gọi là dự án “treo”).

Các dự án này bị triển khai chậm do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư. Một số dự án tiến độ chậm do các chủ đầu tư thiếu vốn để thực hiện…

Qua kiểm kê quỹ đất, Bộ TNMT còn phát hiện nhiều trường hợp các tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự chênh lệch với hiện trạng sử dụng đất.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức cũng là một bất cập. Nhiều nơi chưa quan tâm đến việc làm thủ tục xin cấp giấy này nên tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận rất hạn chế.

Trước tình hình đó, Bộ TNMT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, sử dụng đất của các tổ chức thống nhất trên toàn quốc. Bộ cũng đề xuất cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu nếu xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích.

Để tăng cường biện pháp quản lý, Bộ TNMT cho rằng cần lập thủ tục thu hồi và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, lập kế hoạch khai thác sử dụng đối với diện tích đất đang cho mượn, chuyển nhượng trái phép…

Đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ do khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét và đề xuất việc gia hạn hoặc chấm dứt đối với từng dự án cụ thể.

NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐANG BỊ BẦN CÙNG HOÁ

Bình luận về bài viết này