Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Mối Nguy Trung Quốc (8): Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới

Posted by BEAR trên Tháng Hai 22, 2010

Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới

Thông tin về việc hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã cùng với nhiều tỉnh khác âm thầm cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn 50 năm để trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 305 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, ở các tỉnh miền biên giới.

RFA photo from gis.chinhphu.vn

Bản đồ Lạng Sơn, Quảng Ninh và Trung Quốc

Mặc Lâm theo dõi câu chuyện qua bài phỏng vấn Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người cùng với Trung Tướng Đồng Sĩ Nguyên vừa gửi kiến nghị lên Ban Bí Thư  yêu cầu làm rõ việc này.

Hơn 300 nghìn ha rừng đầu nguồn

Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng, cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, mới đây có thông tin cho biết mười tỉnh dọc biên giới và có tỉnh ở đầu nguồn đã âm thầm cho Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê rừng trong thời hạn 50 năm. Thiếu tướng cùng với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gửi thư kiến nghị lên thủ tướng chính phủ, xin ông cho biết thêm một ít chi tiết về việc này.

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái này là do các tỉnh họ làm. Tất nhiên trách nhiệm thuộc về Thủ tướng vì thủ tướng không quản lý được nên các tỉnh cứ bán đi.

Cái này là do các tỉnh họ làm. Tất nhiên trách nhiệm thuộc về Thủ tướng vì thủ tướng không quản lý được nên các tỉnh cứ bán đi.

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Mặc Lâm: Vâng thưa Thiếu tướng, theo văn bản mà chúng tôi được biết thì số lượng rừng đầu nguồn cho các nước thuê lên tới 264 ngàn héc ta rừng đầu nguồn.

Động thái này quá nguy hiểm và ai cũng thấy rằng khi cho thuê rừng đầu nguồn như vậy thì hạ nguồn sẽ gặp khó khăn nhất là vấn đề chặt cây, phá rừng ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng.

Thông tin mà Thiều tương nhận được thì độ khả tín có cao hay không thưa ông?

Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn
Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Anh hỏi là nó có chính xác hay không ? Cái này là lá thơ đầu tiên của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên phát hiện tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An bán thôi, thì báo cáo lên Bộ Chính Trị thì bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mới cử đoàn liên ngành đi kiểm tra các tỉnh thì sau khi về kết luận là như thế. Đây là kết luận của bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chứ không phải tự ai nghĩ ra đâu. Chúng tôi cũng căn cứ vào cái báo cáo này của ông Bộ trưởng

Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng nếu độ chính xác 100% như vậy thì thiếu tướng đã hội ý với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và vấn đề này liên quan đến quốc phòng rất là rõ.

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh:

Cả quốc phòng cả tai nạn cho nhân dân ở miền hạ du. Cả cạn nước các nguồn thuỷ lợi

. Tôi đã nói đầy đủ trong cái thơ của tôi gửi cho trung ương.

Mặc Lâm: Thiếu tướng đã gửi cho trung ương vậy ông đã nhận được phản hồi hay chưa?

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Chưa có..chúng tôi gửi, đồng chí Nguyên cũng gửi cho trung ương, tôi cũng gửi cho trung ương phân tích lợi hại. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cũng như tôi đề nghị dừng ngay lập tức hay là huỷ những hợp đồng ấy đi. Còn nhà cầm quyền người ta giải quyết như thế nào thì tôi chưa biết

Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng, sau khi cái thư gửi đi nếu không nhận được bất cứ một phản hồi nào từ trung ương như xưa nay thường gặp thì bước kế tiếp sẽ là gì?

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Thì những việc chúng tôi đã làm thì làm được cả rồi. Gửi cho Bộ Chính Trị, mang lên mạng như ông thấy đó. Chúng tôi chỉ biết làm đến thế thôi chứ làm hơn nữa thì không biết thế nào hơn nữa!

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên cảnh báo việc cho nước ngoài thuê rừng

Tướng Đồng Sĩ Nguyên lên tiếng về việc một số địa phương cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn.

“Với Việt Nam đừng tưởng mạnh mà thắng được yếu”

Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc

Trách nhiệm phải lên tiếng

– Được biết ông đã có thư gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cảnh báo nguy cơ từ việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn. Vì sao ông không đồng tình với việc này?

Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng.

Đặc điểm nước ta nhỏ hơn một tỉnh của Trung Quốc, chiều ngang hẹp, chiều dài dài, độ dốc núi đổ ra biển rất gần, các cơn lũ quét nhanh ngang tiếng động, thiên tai xảy ra liên tục, môi trường ngày càng xấu đi, đặc biệt nước biển dâng mất thêm diện tích ruộng đồng bằng. Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.

Ngoài chuyện chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Nhớ lại các thời kháng chiến, tất cả các tỉnh đều có căn cứ là các vùng rừng núi, kháng chiến chống Pháp ta có Việt Bắc, kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường sơn và vùng Tây Nam Bộ. Những đất rừng đầu nguồn này đều nằm trong đất căn cứ hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ. Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đây là 3 địa bàn phên dậu quốc gia. Lạng Sơn cũng vậy.

Đảng, Nhà nước ta trong thời đổi mới cần sử dụng đất cho các mục tiêu là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ quy mô, địa điểm, tính từng mét đất. Trong khi dân ta còn thiếu đất, thiếu nhà, thiếu việc làm, triệt để không bán, không cho nước ngoài thuê dài hạn để kinh doanh, trồng rừng nguyên liệu, địa ốc, sân gôn, sòng bạc…

Tuy đã muộn, nhưng ngay từ bây giờ, bất cứ cấp nào đều phải trân trọng từng tấc đất của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.

Nhiều ý kiến phản đối, chính quyền tỉnh vẫn ký

Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh Thu Hà

– Có ý kiến cho rằng kiến nghị của ông bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác, do đó phản ứng như vậy là có phần cực đoan?

Tôi có thông tin chứ không phải chỉ nghe nói đâu đó. Sở dĩ tôi có thông tin là do anh em ở bộ chỉ huy quân sự tỉnh và công an báo lên. Ngay khi nhận được tin báo tôi đã gọi về các địa phương để hỏi, lãnh đạo tỉnh cũng công nhận với tôi là có chuyện đó.

Ở một số địa phương, công an và bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên tiếng ngăn cản nhưng chính quyền vẫn ký. Thậm chí, có nơi Chủ tịch tỉnh kí cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn.

Hồi anh Võ Văn Kiệt làm Phó Thủ tướng, anh Kiệt có giao cho tôi làm đặc phái viên hai việc: Một là làm sao chấm dứt được việc đốt rừng; Hai là tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu gỗ. Anh Kiệt cho đến lúc cuối đời vẫn còn trăn trở với 2 phần việc này.

Trong một văn bản ủy quyền cho tôi, anh ghi rõ giao đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có quyền xử lí tại trận không cần báo. Gay gắt đến thế trong việc giữ rừng giữ đất. Để đồng bào có sức trồng rừng, anh Kiệt còn cho chở gạo từ phía Nam ra tiếp trợ.

Trong bảy năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách chương trình 327, tôi đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng 1000m, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.

Mối nguy hại của việc tàn phá rừng đầu nguồn thế nào mọi người đều đã rõ. Bởi vậy, trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng.

Đã cho thuê hơn 300 ngàn ha rừng

– Đến nay ông đã nhận được phản hồi nào về kiến nghị của mình chưa?

Khi tôi gửi kiến nghị lên thì có nhận được điện thoại của Thủ tướng. Thủ tướng nói với tôi là đã nhận được thư và đang giao cho Bộ Nông nghiệp đi điều tra thực tế. Bộ Nông nghiệp cũng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều tra xong và gửi lại bằng văn bản cho tôi.

– Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp ra sao, thưa ông?

Bộ Nông nghiệp đồng ý với tôi việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn là sự thật. Bộ đã trực tiếp kiểm tra tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra tổng hợp từ báo cáo của 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. 10 tỉnh này đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó DN từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

“Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng”. Ảnh: Thu Hà

Đó là một tầm nhìn rất ngắn!

Giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư. Ông nghĩ sao về lập luận này?

Nói như thế là không thuyết phục.

Ngay trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng đã xác nhận một sự thật là một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê.

Theo tự nhiên, dân đồng bằng phải có ruộng, người miền núi phải có rừng. Nay cho thuê hết đất rừng thì người dân sẽ mưu sinh thế nào, điều đó cần phải làm rõ. Bao nhiêu cuộc kháng chiến của ta cũng chỉ vì mục tiêu người cày có ruộng, người dân miền núi có rừng. Cách mạng thành công cũng nhờ mục tiêu đó mà người dân hướng theo.

Việc lo cho dân phải là việc đặt lên hàng đầu, trước cả việc thu ngân sách. Cứ dựa vào những lập luận như tăng thu ngân sách để có những quyết định ví dụ như cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn là một tầm nhìn rất ngắn!

Sao không tự hỏi vì sao các DN nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử. Bản thân dân nước mình cũng đang thiếu việc làm.Và khi đã thuê được rồi thì liệu họ có sử dụng lao động là người Việt Nam hay là đưa người của họ sang?

Lấy ngay ví dụ việc cho nước ngoài thuê đất ở Đồ Sơn. Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra, xung quanh khu vực đó, họ cho đóng những cột mốc to như cột mốc biên giới và không cho người Việt vào đó. Cận vệ của tôi tiếp cận xin vào họ cũng không cho, đến khi tôi trực tiếp xuống xe, làm căng quá mới vào được.

Việc một số địa phương nói rằng có những vị trí cho người nước ngoài thuê vì bao lâu nay vẫn để trống, nói như vậy là vô trách nhiệm, địa bàn anh quản lí mà để như thế tức là đã không làm tròn nhiệm vụ. Hồi tôi đi làm dự án 327, tôi rõ lắm, dân mình lúc nào cũng thiếu đất, muốn làm dự án còn không có mà làm, sao có đất để không được.

Kiến nghị đình chỉ ngay những dự án chưa ký

“Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc,
hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng”. Ảnh: Thu Hà

– Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì trước hiện trạng này?

Một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, những tỉnh chưa kỷ đình chỉ ngay. Thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn chương trình 5 triệu ha rừng để thực hiện.

Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường lập ra bộ phận chuyên trách. Trong vòng một năm, chính thức giao khoán đất, khoán rừng cho từng hộ. Trong bản, trong xã cấp sổ đỏ quyền sở hữu sử dụng đất rừng vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.

Từ đây, tôi đề nghị mở rộng chương trình xoá đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp bố trí tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng.

Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng.

Chiến lược thuê đất của Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, người Trung Quốc đã thuê đất đai ở khắp các châu lục trên thế giới.

Theo BBC, ngày 30.1.2010, một cuộc biểu tình với hàng trăm người dân đã diễn ra tại thành phố Almaty ngay sau khi giới lãnh đạo Kazakhstan thông báo Trung Quốc muốn thuê hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp của nước này.

Sự kiện trên chỉ là một trong vô vàn vấn đề liên quan tới chiến lược thuê đất của nước ngoài mà chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh trong nhiều năm qua.

Không ngừng mở rộng

Tờ The Finacial Times (Anh) ngày 8.5.2008 cho biết, dưới áp lực về lương thực, Trung Quốc đã phải hướng ra ngoài để thuê đất nông nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp nông nghiệp xuất ngoại. Thực tế cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ cho các doanh nghiệp ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặc biệt khuyến khích các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty dầu mỏ thuê đất đai ở nước ngoài.

Công ty Tân Thiên ở Tân Cương là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 1996, Tân Thiên đã đầu tư 50.000 USD vào Cuba để trồng lúa nước. Hai năm sau, công ty này mua thêm 1.050 héc-ta đất ở Mexico. Tương tự, tháng 3.2004, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã ký thỏa thuận hợp tác “Khu nông nghiệp tổng hợp Trung – Lào” với diện tích 5.000 héc-ta đất với nhiều hạng mục: lâm nghiệp, thủy lợi…

Mới đây, một quan chức Trung Quốc tiết lộ trên tờ The Finacial Times: “Bộ Nông nghiệp đang làm việc với Brazil để bàn việc mua đất trồng đậu”. Tờ báo cũng phân tích nếu Chính phủ Trung Quốc cổ vũ các doanh nghiệp mua hoặc thuê đất ở nước ngoài để kinh doanh và đưa lao động bản địa sang làm việc thì sẽ gây nên không ít vấn đề lớn cho các nước sở tại.

Thêm nữa, hoạt động nông nghiệp của Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp của nước sở tại. Từ hơn 10 năm trước, người Trung Quốc đã tới Mông Cổ trồng rau, chủ yếu là rau cải, kinh doanh rất phát đạt. Vài năm trở lại đây, số người Trung Quốc sang trồng rau cải ngày càng nhiều, khiến chính quyền Mông Cổ lo ngại vì sản phẩm của Trung Quốc lấn át sản phẩm nội địa.

Người Trung Quốc nói gì?

Việc Trung Quốc thuê đất ở nước ngoài không còn là vấn đề mới mẻ. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có những bước đi tương tự. Nhưng Trung Quốc có vẻ như đang thực hiện một cách ráo riết hơn.

Một câu hỏi đặt ra là mục đích chính của Trung Quốc khi mua hoặc thuê đất đai ở nước ngoài phải chăng chỉ đơn thuần nhằm phát triển nông nghiệp?

Ông Lý Vỹ Tường – Phó chủ tịch Phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn, trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ Trung Quốc – trả lời tờ The Finacial Times: Kế hoạch làm nông nghiệp ở nước ngoài của Bắc Kinh mang lại hiệu quả chưa được như ý. Thông thường các doanh nghiệp nước này tự đi ra ngoài hoạt động, chủ yếu là châu Phi do đất đai ở đây dễ mua hoặc thuê. Tuy nhiên, sau khi mua hoặc thuê đất, họ lại vấp phải nhiều khó khăn như vấn đề an toàn, thiên tai, vận chuyển sản phẩm về nước. Theo ông này, việc ra nước ngoài mua hoặc thuê đất nông nghiệp nhằm bảo đảm vấn đề lương thực chỉ là một cách thử nghiệm.

Trong bài viết trên tuần báo Phương Nam hồi tháng 7.2009, ông Khổng Quốc Hoa – tiến sĩ kinh tế tại Đại học Sơn Đông – cho rằng việc “mượn đất nông nghiệp” là một phương thức có nguồn gốc lịch sử và không chỉ đơn thuần là phục vụ mục đích nông nghiệp. Thời Tây Hán, Triệu Sung Quốc đã áp dụng phương sách này. Chính sách này sau khi được áp dụng đã có hiệu quả to lớn, lương thực không những dư thừa mà đất đai còn rộng mở. Triệu Sung Quốc được coi như một nhà chính trị tài ba nhìn xa trông rộng. Kế sách mượn đất của ông được người dân nước này truyền tụng từ đời này sang đời khác, trở thành “văn hóa mượn đất”, tác động mạnh mẽ tới tận thời nay.

Tiến sĩ Khổng cũng cho rằng việc thăm dò khai phá đất biên cương cũng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, kích thích mậu dịch biên cương và giao lưu dân tộc phát triển, ổn định biên giới. Như vậy thông qua việc thuê mượn đất, người Trung Quốc xưa đã thực hiện được rất nhiều mục đích chính trị, xã hội.

Cũng theo ông Khổng, ngoài “mượn đất”, nước này còn sử dụng sách lược “mượn biển” hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế và quân sự, đặc biệt tăng thêm tự tin và khích lệ phát triển vùng duyên hải. Tính tới năm 2008, tổng giá trị sản xuất ngành hải sản nước này đã chiếm 9,87% tổng sản phẩm quốc nội. Theo tiến sĩ Khổng Quốc Hoa, chính quyền Trung Quốc hiện tại đã sử dụng phương cách thời Tây Hán để tăng cường các hoạt động kinh tế trên biển.

Nguyễn Lệ Chi

  • China should set up a Veteran’s Day (China’s Daily 26-2-10) — Báo Tàu hô hào phải tưởng niệm “liệt sĩ” của họ đã chết trong cuộc “phản công tự vệ” đối với Việt Nam năm 1979!

3 bình luận to “Mối Nguy Trung Quốc (8): Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới”

  1. hoang linh said

    neu nhu chinh phu xu li viec nay thi sao?

  2. hoang linh said

    cac co quan chuc nang tham gia phai bi xu li thinh dang ve viec nay nhung chung ta lai khong the lam bat ku dieu doi voi nhung doanh nghiep nuoc ngoai da dong do tren dat VN

  3. lê hùng said

    nếu mà chính phủ Vn cứ tiếp tục tình trạng này thì thực sự tôi nghĩ rằng VN thà đi theo TBCN còn hơn. Dân mất đất, mất rừng thì tự do hạnh phúc lấy đâu ra. Công sức cha ông đổ xuống bằng xương máu mà chỉ vì mấy tỷ USD mà các nhà lãnh đạo cam giao đất phá rừng…Thiết nghĩ TBCN thì nó không có công bằng cho tất cả mọi người, song mạnh ai người đó sống. Phát triển theo năng lực của mình chứ khôg như VN cựa quyền, quan liêu cho đến mãi mai sau vẫn không thể đc…Chán cái xã hội VN này, bao giờ cũng nói về tự do dân chủ hòa bình. Song những cái đó làm đc bao nhiêu thì cũng chẳng biết nữa.Thử xem TPHCM và Hà Nội thủ đô thì biết.????

Bình luận về bài viết này