Welcome to BEAR’s BLOG!!!

Posts Tagged ‘từ quê’

Tình trạng tự tử trong giới công nhân Việt Nam: NGHÈO

Posted by BEAR trên Tháng Mười 22, 2008

Tình trạng tự tử trong giới công nhân Việt Nam

Phương Anh, phóng viên đài RFA
2008-10-21

Theo các con số thống kê được đưa ra tại hội nghị khoa học mới đây ở Sài Gòn, tình trạng tự tử trong giới công nhân tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng, nhất là ở thành phần trẻ tuổi.

Nữ công nhân Khu Công Nghiệp Thăng Long, Hà Nội, trên đường đến nơi làm việc. Lạm phát, giá cả tăng cao đang gây thêm nhiều khó khăn cho đời sống hàng ngày của giới lao động.

28 tiếng có 1 người tự tử

10 ngày trước, tại hội nghị khoa học của bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TPHCM, bác sĩ Phạm Anh Tuấn đã báo cáo nghiên cứu mới nhất về vấn đề tự tử. Theo đó, trong một năm, chỉ riêng bệnh viện này thôi cũng đã tiếp nhận 310 ca nhập viện vì tự tử, tính ra, cứ 28 giờ thì lại có một ca.

Điều đáng buồn là các trường hợp tự tử đều ở trong độ tuổi thanh niên. Cũng theo báo cáo, tỉ lệ nữ tử tử nhiều hơn nam, chiếm đến 72%, và nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử chủ yếu là do tình cảm, thất vọng trong cuộc sống và kế đến là do tiền bạc.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, hành vị tự tử được coi là để giải toả những bế tắc, những stress mà người tự tử vì quá tuyệt vọng, không còn đủ sức tỉnh táo để vượt qua.

Đa số người tự tử đều dưới 35 tuổi, trong đó, 50% là dưới 25. Đối tượng tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất là giới công nhân.

Giải thích về điều này, sơ Thảo, một nữ tu dòng Mân Côi ở Thủ Đức, người làm công tác xã hội trong nhiều năm qua và chuyên giúp đỡ tinh thần cho các nữ công nhân trong khu công nghiệp cho biết:

“Các em từ quê đến làm việc trong thành phố, đều mong là khi vào đây thì sẽ có một cuộc sống kinh tế khá, để các em có thể hỗ trợ gia đình. Nhưng, khi vào thành phố, thực tế, các em không ổn định về nơi ở, các em phải đi mướn nhà… các phòng trọ giá leo thang.

Một em không thể nào tự mướn một căn phòng được nên phải mướn với những người khác. Các em ở đó, không có đủ phương tiện, không được rộng rãi, vật chất thì thiếu… nhưng vì hoàn cảnh phải chịu.

Có những em không đủ tiền mướn nhà, chỉ mướn chỗ ngủ thôi, chỉ cần một cái chiếu, hồi trước thì 2000 một đêm, bây giờ là 5000 một đêm.”

Đó là về điều kiện sinh hoạt hàng ngày, còn về thu nhập và chi phí ăn uống, Sơ Thảo cho biết tiếp:

“Vì không có nơi ổn định nên ăn uống cũng không có đủ sức khoẻ, để chống đói thôi, các em phải ăn ở ngoài, không đủ dinh dưỡng, ăn đói… các em đi làm, vì không có chuyên môn, nên làm với tính cách lao động, lương lao động nên nhiều khi cũng không đủ để nuôi sống chính bản thân mình.

Đó là lý do vì sao, các em đi vào con đường kiếm đồng tiền không trong sạch, nhất là các bạn gái… rồi cuộc sống có nhiều cạm bẫy…nó nhiều yếu tố lắm, nhưng vấn đề chính là hụt hẫng về đồng lương… rồi từ cái này, nối vào cái kia, cuối cùng đi đến một sự thất vọng.

Khi các em rời quê ra đi, thì hy vọng là cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng bây giờ thì laị bết bát hơn mà tiền bạc thì lại không giúp đỡ gia đình được… rồi tiền cũng không và tình cũng mất, rồi bệnh hoạn…

Nói chung, nhiều lý do tạo nên, nhưng cuối cùng thì nó cảm thấy rằng nó không còn cách nào để làm lại được nữa thì tự tử.”

Để tìm hiểu thêm về điều này, Phương Anh đã liên lạc với cô Hoài Đông, một nữ công nhân hiện đang làm trong một nhà máy may quần áo xuất khẩu.

Cô cho biết, quê ở tận Bình Trị Thiên, làm ruộng không đủ sống, theo bạn vào thành phố HCM làm công nhân, để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em ở quê nhà. Đã 1 năm qua, chưa tháng nào cô có dư chút đỉnh, đã vậy, đời sống càng chật vật khó khăn hơn, cô tâm sự:

Ăn uống phải hà tiện, có người thì sáng không ăn, đi làm, tối về, mua một bó rau muống… nhà trọ đợt này nghe nói là tăng nữa, nên lại phải ăn hà tiện lại.
Cô Hoài Đông

“Mệt mỏi hơn hồi xưa, lương tăng chút xíu nhưng nó ép làm thêm, ai cũng mệt hết… Ăn ở trong công ty thì ăn ít quá nên công nhân không đủ no… Đình công quá trời nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Ăn uống phải hà tiện, có người thì sáng không ăn, đi làm, tối về, mua một bó rau muống… nhà trọ đợt này nghe nói là tăng nữa, nên lại phải ăn hà tiện lại.”
Hụt hẫng, thất vọng

Anh Hậu, đang làm trong một nhà máy sản xuất giầy da ở khu công nghiệp Linh Xuân, Thủ Đức, cũng cho hay rằng, anh mới từ Thanh Hoá vào đây gần hai năm, vật giá càng ngày càng leo thang, không biết rồi đây anh có chịu nổi hay không. Hiện nay, anh đành chấp nhận như thế rồi tính sau:

“Cũng tạm được thôi, cũng không được vừa lòng lắm nhưng nói chung cũng đành chấp nhận… Lương công nhân thì ít lắm, tiền phòng thì 3 người một phòng, chia ra khoảng trăm rưởi một người.”

Hiện nay, một thực tế cho thấy, đa số công nhân là những người ở quê, bỏ lên thành phố với bao hy vọng rằng sẽ thay đổi được hoàn cảnh của chính mình và gia đình. Thế nhưng, khi chạm vào thực tế thì đều bất ngờ như lời Sơ Thảo cho hay: “Đa số các em bị hụt hẫng về vấn đề này, bản thân nó không đủ chi tiêu nữa, làm sao mà lo cho gia đình được.”

Chính vì thất vọng, chán nản trong cuộc sống, cộng thêm một số lý do khác như tình cảm, nên dễ dàng đi đến tình trạng tuyệt vọng, và tìm đến cái chết.

Bác sĩ tâm lý Minh Tuấn, hiện đang làm tại Trung Tâm Tư Vấn Tâm Lý Xã Hội và Giáo Dục ở TPHCM cho biết rằng, trung bình, riêng bản thân ông, tháng nào cũng có vài trường hợp muốn tự tử gọi đến, ông nói:

“Nếu ở mức tuyệt vọng thì trong một tháng cỡ 5 trường hợp đang bên bờ vực thẳm, tức là ranh giới… tuy là họ đến đường cùng nhưng họ nói được, sau đó thì mình giải thích và họ tìm con đường sống cho mình. Tỷ lệ này chiếm khoảng 1-2 %. Khi người mà tìm đến cái chết để họ thanh thản ra đi thì họ khổ hơn cái mức bình thường, họ không chịu nổi nữa, họ muốn tìm cái chết.

Đó là sự tuyệt vọng rồi, đường cùng rồi. Một số đông thì vẫn là vô trách nhiệm với bản thân… cuối cùng thì xã hội vẫn phải gánh chịu, vì bản thân họ nằm xuống thì có biết gì đâu. Cái chính là hậu quả phía sau, gia đình để lại.”

Khi gặp các trường hợp như thế xảy ra, bác sĩ Tuấn phải cố gắng tìm cách trì hoãn người gọi và tìm cách để ngăn chận ngay lập tức. Bác sĩ Tuấn cho biết:

Trong đội ngũ công đoàn thì họ phải nắm bắt tình hình hiện trạng của từng công nhân, và kết hợp với phụ nữ, liên đoàn lao động để có những buổi nói chuyện chuyên đề, cải thiện thêm cho công nhân. Làm sao cho họ đi đúng hướng.
BS Phạm Anh Tuấn

“Phải kéo dài thời gian cho người ta nhận ra vấn đề đó đã, sau đó để họ nói ra nguyên nhân chính ở đâu và mình tìm giải pháp để giúp họ, chứ mình “phán” không thì cũng không được, mình phải để họ nói đã, tâm lý con người mà, khi gần kề cái chết bao giờ người ta cũng muốn tìm về con đường sống. Mình phải kéo dài thời gian, và trong lúc đó, mình phải phối hợp với các bệnh viện để chia xẻ với họ.”
Giải pháp

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, muốn ngăn chận được tình trạng tự tử, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để làm sao giảm bớt tình trạng ức chế trong cuộc sống. Về điều này, bác sĩ tâm lý Minh Tuấn cũng đồng quan điểm, ông nói:

“Tốt nhất là phải taọ không khí trong gia đình, nếu biết con cái có vấn đề gì thì phải có sự quan tâm, khuyên bảo, chứ bây giờ cha mẹ cứ lo làm ăn bỏ mặc con cái… Trong đơn vị đó phải có người giúp đỡ để giải toả vướng mắc, để họ tìm ra hướng giải quyết, chứ mình cũng không giải quyết thay được… mở nút cho họ để họ tìm ra cách nào tốt nhất thôi.

Trong đội ngũ công đoàn thì họ phải nắm bắt tình hình hiện trạng của từng công nhân, và kết hợp với phụ nữ, liên đoàn lao động để có những buổi nói chuyện chuyên đề, cải thiện thêm cho công nhân, giờ làm việc phải sắp xếp sao cho hợp lý, phù hợp với công việc, ngành may, ngành giầy da… mình phải có phụ cấp hợp lý. Làm sao cho họ đi đúng hướng.

Giải pháp lâu dài thì chắc còn lâu, nhưng nên có những buổi nói chuyện, và khu ký túc xá cho công nhân là quan trọng vì thuê nhà thì quá cao.”

Quí vị vừa nghe một số thông tin liên quan đến tình trạng tự tử trong giới công nhân. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp quí vị vào kỳ sau.


Công nhân trả tiền điện cao gấp 3 lần giá nhà nước

TP.HCM có khoảng gần 200 ngàn công nhân phải thuê nhà sống rải rác tại các quận, huyện. Với đồng lương ít ỏi, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc sử dụng điện, công nhân thường phải trả giá điện gấp 3 lần giá nhà nước.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay, khi thuê nhà, công nhân phải trả giá điện rất cao so với giá của nhà nước. Theo quy định thì mức giá điện sinh hoạt áp dụng cho hộ gia đình được tính như sau: 100 KW đầu tiên giá 550 đồng/KW; từ KW thứ 101 đến 150 giá 1.100 đồng/KW; từ KW thứ 151 đến 200 giá 1.470 đồng/KW; từ KW thứ 201 đến 300 giá 1.600 đồng/KW; từ KW thứ 301 đến 400 giá 1.720 đồng/KW; từ KW thứ 401 trở lên giá 1.780 đồng/ KW.

Như vậy, trừ những KW định mức được tính giá thấp hơn thì số tiền mà chủ nhà phải trả cho những KW lũy tiến cao nhất cũng chỉ là 1.780 đồng/KW. Nhưng thực tế, công nhân phải trả tới 2.500 – 3.000 đồng/KW. Thậm chí có những nơi như ở Dĩ An, Bình Dương, công nhân phải trả tới 4.000 đồng/KW. Như vậy, cho dù phải trừ hao hụt đường dây thì chủ nhà trọ vẫn có lời từ kinh doanh điện.

Theo điều 3 và điều 7 chương 1 của Luật Điện lực thì khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác. Nếu muốn bán lại thì phải có giấy phép kinh doanh. Đa số các chủ nhà trọ đều làm trái quy định khi bán điện cho công nhân mà không có giấy phép. Nhưng hầu như họ không bị xử phạt và chỉ công nhân là người phải chịu thiệt thòi

Việc UBND TP.HCM có chỉ đạo phải thực hiện bán điện theo giá sinh hoạt gia đình cho công nhân là một tin vui đối với họ. Ngành điện lực thành phố cũng như các quận, huyện sẵn sàng thực hiện chỉ đạo này.

Theo đó, cứ 4 công nhân thuê nhà trọ có thời hạn từ 12 tháng trở lên (căn cứ vào giấy tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương) thì sẽ được tính là một hộ gia đình hưởng và được hưởng theo giá nhà nước. Trường hợp không có hợp đồng thuê nhà thì phải được bảo lãnh bởi công đoàn cơ quan, xí nghiệp hoặc địa phương nơi họ cư trú. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này thật không đơn giản.

Sở dĩ các chủ nhà trọ không mặn mà vì khi cho công nhân thuê nhà, thu tiền điện với mức giá như vậy, họ cũng có lời, nên không muốn mất đi khoản thu đó. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ còn ngại rắc rối.

Bà Nguyễn Thị Úy Mạo, chủ nhà trọ ở KP1, phường An Lạc, Bình Tân cho biết: Làm cũng được nhưng tôi thấy rắc rối quá. Công nhân ở nhà tôi toàn hợp đồng bằng miệng, làm gì có hợp đồng giấy tờ, giờ bắt làm hợp đồng tôi thấy nhiêu khê rắc rối quá.

Và như thế, khi công nhân không có được sự bảo lãnh của chủ nhà trọ bằng hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì phía điện lực cũng không dám mạo hiểm.

Vận động chủ nhà trọ “hi sinh” quyền lợi: Liệu có khả thi?

Hiện nay, điện lực cũng như liên đoàn lao động của các quận, huyện đã và đang nỗ lực để công nhân được hưởng điện theo đúng giá của hộ gia đình.

Thành quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam?

2008-10-20

Nhân Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo LHQ vừa được nhắc hôm 17-10 vừa qua, tình hình xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu và Việt Nam nay đã tiến đến đâu, đặc biệt là trong tình trạng khủng hỏang kinh tế hiện nay?

Như từ 15 năm qua, Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo một lần nữa được thế giới nhắc đến hôm 17 Tháng Mười – 2008. Phát biểu trong diễn văn đánh dấu ngày này năm nay, người đứng đầu LHQ – ông Ban Ki-moon cho biết các biến động kinh tế thời gian này khiến việc xóa giảm nghèo đói bị thử thách nhiều hơn.

Cùng với cuộc khủng hỏang kinh tế toàn cầu, giá lương thực và xăng dầu tăng cao đang đe dọa các thành quả giảm nghèo đói đạt được lâu nay tại nhiều nơi trên thế giới.

Báo cáo mới đây của Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết thành quả xóa bỏ nghèo đói mà các nước đã đạt được trong giai đọan 1990-2005, đưa con số 1 tỉ 800 triệu người cùng cực đói khổ xuống còn 1 tỉ 400 triệu, đang bị đe dọa.

Giá lương thực và nhiên liệu đã đẩy thêm 100 triệu người xuống mức nghèo đói năm nay, đặc biệt trong khu vực Nam Á và khu vực Sahara ở Phi Châu, và hiện có đến khỏang 1/4 trẻ em các nước đang phát triển bị thiếu dinh dưỡng.

Là một trong các nước tham gia chương trình xóa giảm nghèo đói, thuộc1 trong 8 Mục tiêu Thiên niên Kỷ LHQ, Việt Nam đã đạt những thành quả nào trong vòng một năm nay? Thông tin cho thấy cũng như tình hình chung của thế giới, chương trình chống đói nghèo ở Việt Nam trong năm qua không đạt kết quả dự liệu.

Tỉ lệ tái nghèo gia tăng

Hôm 16 Tháng Mười, trong kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XII, Thủ Tướng Việt Nam cho biết tỉ lệ tái nghèo của cả nước hiện đang tăng, và chỉ tiêu giảm nghèo đạt được năm nay thấp hơn kế họach.

Trao đổi cho thấy nỗi khó khăn của nhiều gia đình ở thành thị có thu nhập từ đủ ăn đến thiếu thốn trong thời gian gần đây:

– Giờ cuộc sống khó khăn lắm, cái gì cũng lên, thức ăn cũng vậy, cũng mắc lắm, mà đồng lương nếu mà tính ra làm nhà nước – chồng làm vợ làm mà nuôi hai đưa con cũng chả đủ sống nữa

Thu nhập một tháng khoảng 2 triệu, nhiều khi chẳng hạn như con bệnh đau thì tốn ba cái tiền thuốc hoặc là như ở tổ nó thu những cái tiền giúp đỡ mấy người già neo đơn, hoặc là tiền quốc phòng, tiền dân phòng này nọ thì càng gây khó khăn.

Nếu mà gói ghém lắm thì còn đỡ nhưng mà qua cái tiền học, tiền nó phát sinh như tiền bệnh tiền đau tiền thuốc, tiêng này tiền kia, nhiều khi cũng đói, không đủ ăn. Kiếm tiền ít quá thì con tôi bị thất học vì tiền đâu mà đóng!

Cũng theo đánh giá của Phòng Giảm Nghèo và Phát Triển Xã Hội của Chương Trình Phát Trỉên LHQ, các hộ có thu nhập thấp ở Việt Nam, đặc biệt là thành phần tạm trú ở thành thị, gặp khó khăn nhiều nhất vì không được hưởng các trợ giúp xã hội. Ngoài ra, tình trạng nghèo cùng cực hiện đang tập trung nhiều trong các nhóm dân tộc thiểu số.

Cần có chính sách cụ thể

– Tiêu chí thì bây giờ người ta dựa vào cái mức thu nhập hàng tháng, còn từng khu vực, ở các thành phố loại một thì có một tiêu chí là 400 nghìn, còn ở các vùng nông thôn thì nó ở một mức độ thấp hơn, chính phủ sẽ hỗ trợ cụ thể cho các hộ nghèo như thế nào, đấy là câu hỏi mà nhiều người người ta đang hỏi.

Trên thực tế, các chính sách đó vẫn chưa được cụ thể đối với các hộ nghèo. Các chính sách đó vẫn còn chung chung thôi. Tôi nghĩ rằng thứ nhất chúng ta phải xác định được chuẩn nghèo, ví dụ như cán bộ công chức thì bây giờ tôi nghĩ là quá nghèo. Mức thu nhập của người ta không đủ để duy trì cái cuộc sống hàng ngày. Đấy cũng là một cái loại nghèo, nghèo thực tế.

Trên lãnh vực pháp lý người ta đặt ra vài cái mắc thu nhập: 400 ở các thành phố thì tôi nghĩ rằng nó không phải là nghèo mà còn là quá nghèo .

Thực tế là trong những năm vừa qua, nhất là trong Năm 2008 mức độ lạm phát tương đối ghê gớm; báo chi ở Việt Nam vẫn đưa lên là chinh phủ tìm cách giảm một số nhu cầu và tìm những biện pháp khác để khắc phục.

Tuy nhiên, cái đấy chỉ là giải pháp tình thế, còn giải pháp lâu dài thì tôi nghĩ rằng cần có một cáí chính sách mang tính vĩ mô của chính phủ đối với những đối tượng chính sách, cũng như đối tượng mà yếu thế trong xã hội.

Đặc biệt năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Thế Giới, Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo mang chủ đề “nhân quyền và phẩm giá của những người nghèo khó.”

Tổng Thư Ký LHQ nhấn mạnh, đói túng lấy đi phẩm gía của người nghèo, và sự nghèo đói không thể được giải quyết nếu các quyền của con người không được tôn trọng.

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo vì vậy cần phải đặc biệt quan tâm đến việc tôn trọng nhân quyền và phẩm giá của dân chúng; phát hiện mọi đối xử kỳ thị và bất bình đẳng; bảo đảm rằng mọi người nghèo đều được tiếp cận với các yếu tố để thóat cảnh nghèo đói, như được sở hữu đất đai, vốn liếng, tri thức và năng khiếu.

Cũng trong Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo 2008, LHQ nhắc rằng chính phủ các nước mới đây tái khẳng định cam kết đạt các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, trong đó chiến dịch chống nghèo đói là một.

Bộ lao động đề nghị điều chỉnh mức chuẩn nghèo
RFA 04.09.2008

Bộ lao động thương binh, xã hội vừa đề nghị với chánh phủ điều chỉnh mức chuẩn nghèo tại Việt Nam.

Theo đó thành phần thuộc diện nghèo khó, tại vùng nông thôn thì hộ có thu nhập 300 ngàn đồng một tháng, và ở tỉnh thành là 390 ngàn đồng một tháng là những hộ nghèo.

Chuẩn nghèo của Việt Nam hiện nay là 220 ngàn đồng tháng ở nông thôn, và 260 ngàn đồng tháng ở khu vực thành thị.

Chênh lệch giàu nghèo gia tăng

“Trong vòng 10 năm qua, khoảng 30 triệu người Việt, tức hơn 1 phần 3 dân số của cả nước, đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thế nhưng, theo với đà phát triển kinh tế, chênh lệch về thu nhập đang lớn dần, mặc dù mục tiêu của chính quyền là đạt cho được mức phát triển bình đẳng”

Có những dấu hiệu cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang tăng dần. Chênh lệch trong thu nhập thấy rõ giữa nông thôn và thành thị, giữa dân tộc Kinh, thành phần chiếm đa số trong tổng lượng dân cả nước, và người sắc tộc thiểu số thường sống ở vùng cao nguyên, vùng sâu vùng xa.

Câu trả lời của chúng tôi, Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, rất là chung chung. Chênh lệch giàu nghèo nông thôn – thành thị thì đương nhiên thôi ạ.

Do tình trạng là cái vùng khó khăn xa xôi như vậy, trình độ dân trí thì thấp, cho nên phát triển kinh tế ở đây nó không thể mạnh được. Vì vậy sự chênh lệch giữa miền ngược với miền xuôi là nó đương nhiên.

Nguy cơ bất ổn

Theo phân tích của Oxford Analytica thì một trong những nguyên nhân của chênh lệch trong thu nhập ở Việt Nam là vì tiến trình kỹ nghệ hoá. Nhiều thanh niên nông thôn bỏ ra thành thị vì không tìm được việc làm ở miền quê.

“Giá tiêu dùng tăng trong thời gian gần đây, lên tới 26.8 % hồi tháng trứơc, đang tác động đến đời sống [của ngừơi dân Việt Nam]. Với 43% chỉ số giá tiêu dùng thuộc nhóm các thứ lương thực, giá gạo, cá, thịt và những thứ thực phẩm khác đã tăng lên đáng kể, gây thêm khó khăn cho những ngừơi dân nông thôn có mức thu nhập thấp”

Chỉ số phát triển con người, do Chương Trình Phát Triển LHQ (UNDP) thực hiện, xếp Việt Nam vào hạng 105 trong tổng số 177 nước, cao hơn Indonesia nhưng thấp hơn Algeria (Châu Phi).

Mời xem thêm:

“Đứt” chữ!

Việt Nam – Đình công và những khó khăn của người lao động

Chủ nhân Trung Quốc đánh nữ công nhân Việt Nam

Posted in Life!, Poor, Worker | Thẻ: , , , , , , , | 1 Comment »